Cái bắt tay giữa Petrolimex và Vietjet Air

 09:00 CH @ Thứ Ba - 24 Tháng Tư, 2018

cái bắt tay lần 1 giữa petrolimex và vietjetair

Cái bắt tay lần thứ nhất giữa Petrolimex (PLX) và Vietjet Air (VJC)

Nơi sự đồng hành bắt đầu từ 5 năm trước

Người đi máy bay nhiều sẽ không khó để nhận ra mối quan hệ đối tác lâu năm giữa Petrolimex và Vietjet Air thông qua hoạt động cung ứng nhiên liệu máy bay JET A1 bởi đơn vị trực tiếp là Petrolimex Aviation. Thậm chí Logo của hãng xăng dầu lớn nhất Việt Nam này đã không ít lần xuất hiện trực tiếp trên thân của các tàu bay mà Vietjet Air đang vận hành. Mối quan hệ gắn kết này bắt đầu từ sự kiện Vietjet Air đã chính thức chọn Petrolimex Aviation làm đối tác cung ứng nhiên liệu kể từ tháng 4/2013 tại sân bay Đà Nẵng.

Cho tới thời điểm hiện tại, trong gần 100.000 chuyến bay mà Vietjet Air khai thác hằng năm thì có hơn 51% tổng số chuyến được phục vụ bởi Petrolimex tại tất cả các sân bay lớn trong và ngoài nước. Đây cũng là động lực lớn giúp Petrolimex Aviation đạt được bước tăng trưởng thần kỳ trong thời gian qua đi theo xu hướng tăng trưởng nhanh chóng hơn 20%/năm của ngành hàng không nói chung và ngành hàng không giá rẻ nói riêng trong khu vực.

Nếu nhìn lại 10 năm về trước, sản lượng cung ứng nhiên liệu bay JET A1 của Petrolimex Aviation chỉ quanh con số 20.000 - 30.000 mét khối một năm vào năm 2009, thì kể từ thời điểm chính thức đồng hành cùng Vietjet Air, con số này đã nhanh chóng tăng hơn 30 lần lên gần 800.000 mét khối trong những năm gần đây. Từ đó mang về cho doanh nghiệp một vị thế lớn trong ngành với thị phần lên đến 30%. Mặc dù, là một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn so với các đàn anh đi trước như Skypec (Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam). Bên cạnh thị trường nội địa, Petrolimex Aviation đã nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe và trở thành thành viên của các tổ chức hàng không lớn trên thế giới như ICAO, IATA, JIG… để có thể dễ dàng mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua các đối tác nước ngoài trên 45 sân bay lớn trong khu vực Châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Chính những yếu tố này đã biến Petrolimex Aviation trở thành một trong những công ty con khai thác thành công mảng kinh doanh tiềm năng nhất của thị trường xăng dầu trong khu vực, mà cái duyên ban đầu đến đã từ Vietjet Air.

Cái bắt tay lần hai của 5 năm sau

Như đã có nhắc tới ở trên, Petrolimex và Vietjet Air đã bắt tay nhau lần đầu tiên vào tháng 4/2013, và đúng 5 năm sau đó vào những ngày cuối tháng 4/2018, hai công ty thành viên thuộc nhánh tài chính ngân hàng của các đối tác lớn này đã lại về chung một nhà như một lần bắt tay thứ 2 của nhóm này. Cụ thể HDBank (cùng nhánh với Vietjet Air) sẽ tiến hành sáp nhập PGBank (Petrolimex đang sở hữu 40%) với thời gian hoán đổi cổ phiếu dự kiến trong tháng 7/2018, trong đó tỷ lệ hoán đổi được xác định theo nguyên tắc 1.000 cổ phiếu PGBank đổi khoảng 600 cổ phiểu HDBank (Tỷ lệ cụ thể là 1:0,621). Điều này hàm ý rằng, với tổng khối lượng 300 triệu cổ phiếu lưu hành (CPLH) của PGBank hiện nay sẽ được hoán đối thành 180 triệu cổ phiếu HDBank, trong đó 40% sở hữu của Petrolimex ở PGBank sẽ tương đương 72 triệu cổ phiếu HDBank.

cái bắt tay lần 2 giữa petrolimex và vietjetair

Cái bắt tay lần thứ hai giữa Petrolimex và Vietjet Air

Cũng cần nói thêm ở đây về cách thức phát hành hoán đổi của HDBank. Cụ thể ngân hàng này sẽ không chỉ phát hành đúng 180 triệu cổ phiếu HDBank cho mục đích hoán đối, mà sẽ phát hành tổng cộng 300 triệu cổ phiếu. Trong đó, 180 triệu sẽ được hoán đổi sang cổ phiếu PGBank như có nhắc đến ở trên với điều kiện chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng và 70% còn lại sau một năm kể từ ngày chính thức sáp nhập. 120 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được phân phối cho cổ đông hiện hữu của HDBank trên lượng sở hữu 981 triệu CPLH ban đầu của ngân hàng này, và ngay lập tức được HDBank mua lại đúng khối lượng đó với giá 13.000 đồng/cp. Nếu 120 triệu này được phân phối như hình thức cổ phiếu thưởng (giá vốn bằng 0) thì HDBank sẽ phải bỏ thêm một khoảng tiền thuần tương dương 1.560 tỷ để mua lại khoảng này. Và nếu chia con số này cho tổng số 981 triệu cổ phiếu ban đầu.

Điều này tương đương với việc mỗi cổ đông hiện hữu của HDBank sẽ được chia một lượng tiền mặt 1.590 đồng/cổ phiếu. Còn nếu 120 triệu này được phát hành với giá vốn 10.000 đông/cp và sau đó được mua lại với giá 13.000 đồng/cp, thì quá trình này tương đương với hoạt động chia cổ tức tiền mặt 367 đồng/cp. Đây có thể được xem là hoạt động “thưởng” cho cổ đông hiện hữu trước hoạt động sáp nhập với PGBank. Bên cạnh đó, 120 triệu cổ phiếu quỹ có khả năng sẽ là dư địa “để dành” của HDBank cho các hoạt động phát hành thêm cho các đối tác chiến lược trong tương lai.

cơ cấu cổ đông của HD Bank sau sát nhập

Cơ cấu cổ đông của HD Bank sau sáp nhập dự kiến

Như vậy sau thương vụ này, tổng nhóm cổ đông cũ từ PGBank sẽ sở hữu hơn 14% trên tổng số 1,281 tỷ CPLH tính cả 120 triệu phát hành cho cổ đông hiện hữu nói trên. Và khi 120 triệu cổ phiếu này được mua lại ngay sau đó, số lượng CPLH của HDBank chỉ còn 1,161 tỷ cổ phiếu, và con số 14% nói trên sẽ tăng lên 15.5%. Lúc này với 72 triệu cổ phiếu HDBank mà Petrolimex sở hữu sẽ tương đương 6.2% trên tổng CPLH. Với các tỷ lệ như vậy, Petrolimex sẽ trở thành cổ đông lớn của HDBank và có thể tham gia đóng góp vào các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này. Và thay vì ngày trước Petrolimex gặp phải áp lực phải giảm tỷ lệ sở hữu tương đối cao ở các doanh nghiệp ngoài ngành như trường hợp sở hữu 40% ở PGBank thì nay với tỷ lệ chưa tới 10% tại HDBank, áp lực này sẽ không còn lớn như vậy nữa và Petrolimex có thể yên tâm phát triển mối quan hệ đối tác bền vững hơn đối với các chiến lược phát triển trong tương lai.

Từ hợp tác bán hàng đến hợp tác bán dịch vụ tài chính

Nói về chất lượng tài sản và năng lực hoạt động kinh doanh, có thể thấy rằng HDBank là một ngân hàng tương đối chuẩn mực với suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu trung bình (VCSH TB) gần 16% trong năm 2017. Dư nợ cho vay tính đến cuối năm 2017 đạt gần 105.000 tỷ, tăng trưởng gần 30% so với năm trước, đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với mặt bằng chung theo kế hoạch tăng trưởng tín dụng của Chính phủ quanh 20% trong cùng thời gian. Bên cạnh đó, với chính sách quản trị rủi ro hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu của HDBank hiện đang được kiểm soát ở mức an toàn quanh 1.5% trong năm 2017 và dự kiến sẽ được duy trì ổn định ở mức này nhằm đảm bảo cân đối cho hoạt động cho vay tín dụng, đặt biệt là các khoảng cho vay tín chấp đối với hoạt động tiêu dùng cá nhân đây tiềm năng nhưng cũng không ít rủi ro đang được vận hành bởi Công ty Tài chính TNHH HD SAIGON. Thêm vào đó nếu xét đến tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR), hiện HDBank đang duy trì con số này chỉ khoảng 87% tính đến cuối năm 2017, nếu so với mức tỷ lệ LDR đạt ngấp nghé ớ mức 100% ở các ngân hàng quốc doanh lớn, thì với tỷ lệ LDR tương đối thấp như hiện tại HDBank sẽ có dư địa tăng trưởng tín dụng và kéo theo tăng trưởng thu nhập khá lớn trong vài năm tới trên nền tảng gần 240 chi nhánh và phòng giao dịch trải rộng khắp đất nước.

tình hình vay tín dụng của HD Bank và Pg Bank

Tình hình vay tín dụng của ngân hàng HD Bank và PG Bank

Rõ ràng với nền tảng về thương hiệu, chất lượng quản trị rủi ro và dư địa tăng trưởng tín dụng của mình, HDBank sẽ là một ứng cử viên tuyệt vời cho hoạt động tái cơ cấu và thúc đẩy mạng lưới kinh doanh của bộ phận sắp sáp nhập về từ PGBank trong thời gian tới. Và về khía cạnh đầu tư tài chính, chúng tôi tin tưởng rằng phần vốn của Petrolimex sau khi chuyển về thành cổ phần của HDBank sẽ được “chăm sóc” một cách hiệu quả và chu đáo hơn với năng lực vượt trội của đội ngũ quản trị từ HDBank nói riêng và từ cả tập đoàn Sovico nói chung (bao gồm Vietjet Air dưới sự lãnh đạo của Ms. Nguyễn Thị Phương Thảo). Bên cạnh đó, xét về khía cạnh đối tác chiến lược, chúng tôi cũng thấy rằng HDBank sẽ là nhân tố quan trọng đưa ra các giải pháp hỗ trợ Petrolimex trong các hoạt động thanh toán bằng thẻ trên nền tảng thẻ FlexiCard đã được doanh nghiệp phát triển lâu nay nhưng chưa mang lại nhiều tiếng vang. Với một tầm nhìn xa hơn, HDBank sẽ còn có thể là đối tác lớn hỗ trợ Petrolimex trong các hoạt động thanh toán mua hàng trên hệ thống tích hợp các dịch vụ bán lẻ như siêu thị, nhà thuốc, dịch vụ chăm sóc xe…

Về phía HDBank, chúng tôi cho rằng với 2.500 chi nhánh trực thuộc của Petrolimex (và có thể là gần 3.000 chi nhánh không trực thuộc còn lại), một con số lớn gấp 10 lần so với mạng lưới chi nhánh của HDBank hiện nay sẽ là nền tảng vô cùng vững chắc cho các kế hoạch mở rộng hoạt động cho vay và phát triển thương hiệu của ngân hàng này trên toàn quốc một cách chặt chẽ và dày đặc hơn. Bên cạnh đó, hiện nay Vietjet Air đang dựa trên nền tảng cho vay tiêu dùng của HDBank để phát triển các dịch vụ cho vay mua vé máy bay trả chậm nhằm thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không giá rẻ của công ty. Nhìn rộng ra là chiến lược phát triển thành một “Consumer Airline”, nơi mà các nhu cầu liên quan tới hoạt động du lịch và di chuyển nói chung sẽ được đáp ứng tối đa trong một hệ sinh thái được xây dựng đầy đủ. Một lần nữa, chúng tôi cho rằng nếu tận dụng được mạng lưới chi nhánh rộng khắp của Petrolimex đang có, Vietjet Air và dịch tài chính mà HDBank cung cấp trung gian sẽ được khuếch đại rất lớn về mức độ nhận diện và tính đại chúng.

Sau cùng, chúng tôi cho rằng cái bắt tay này giữa hai doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế một lần nữa sẽ là minh chứng cho thấy sự cộng hưởng liên ngành nếu làm đúng cách sẽ mang lại những giá trị gia tăng rất lớn cho các đối tác. Các chiến lược mang tầm nhìn xa về một chuỗi bản lẻ hùng mạnh của Petrolimex và một hãng hàng không Comsumer Airline của Vietjet Air sẽ bước sang một giai đoạn mới kể từ thời điểm này.

Trên đây là một bài viết cảm nhận của hostNguyễn Nhật Tiến- chuyên gia cổ phiếu PLX của Biên An Toàn. Quý NĐT có thắc mắc về cổ phiếu ngành xăng đầu nói chung và PLX nói riêng có thể liên hệ trực tiếp host Tiến hoặc liên hệ:

Website:www.bienantoan.com.vn
Điện thoại: 090 2317927
https://www.facebook.com/bienantoan/inbox/

Nguồn:  Nguyễn Nhật Tiến  -  Chuyên gia cổ phiếu PLX của
Biên An Toàn