Chung sức hướng về biển Đông

 11:52 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Năm, 2014

TP. Hồ Chí Minh, ngày 28.05.2014.Hòa chung tinh thần cả nước hướng về biển Đông, Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) đã tổ chức các hoạt động chung sức hướng về biển Đông: tổ chức nghe thời sự về tình hình biển Đông do Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm - Phó Giáo sư, Tiến Sỹ, Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP. HCM, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam nói chuyện đồng thời tổ chức phát động hưởng ứng phong trào Petrolimex với biển đảo tổ quốc Việt Nam.

Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm – Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo Nhân dân, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật
và Kinh tế biển TP. HCM, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân nhân dân Việt Nam nói chuyện về tình hình Biển Đông

Ngày chung sức hướng về biển Đông được bắt đầu bằng buổi nói chuyện thời sự về tình hình biển Đông tại hội trường Văn phòng Công ty vào buổi sáng và hội trường Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè vào buổi chiều cùng ngày cho toàn thể cán bộ đảng viên, công nhân viên chức – người lao động (CNVC-NLĐ) Petrolimex Sài Gòn. Tại buổi nói chuyện, Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm đã cung cấp các thông tin, giúp CNVC-NLĐ Petrolimex Sài Gòn hiểu rõ về cơ sở pháp lý chứng cứ lịch sử và các luận cứ khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam:

Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982 (được gọi là Hiến pháp của biển) là cơ sở pháp lý chung cho việc giải quyết tranh chấp biển, trong đó có phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước xung quanh biển Đông. Theo Công ước về luật biển 1982, mỗi quốc gia ven biển được phân định bao gồm 5 vùng biển: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa.

Chủ quyền 5 vùng biển của Việt Nam theo Công ước quốc tế về luật biển 1982

Với các căn cứ pháp lý và lịch sử nêu ra cho thấy việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) gần quần đảo Hoàng Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta là trái với luật pháp quốc tế, là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam và Tuyên bố ứng xử giữa các nước trên biển Đông (DOC). Hành động ngang ngược của Trung Quốc đã gây phẫn nộ không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Kết thúc ngày trao đổi, nói chuyện về tình hình biển Đông, Lãnh đạo Petrolimex Sài Gòn đã phát động hưởng ứng phong trào “Petrolimex với biển đảo tổ quốc Việt Nam” do Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng Công đoàn Xăng dầu Việt Nam phát động với nội dung CNVC-NLĐ Petrolimex Sài Gòn trên tinh thần tự nguyện, đóng góp một ngày lương thực tế để ủng hộ cán bộ, chiến sỹ đang làm việc bảo vệ biển đảo tổ quốc thân yêu.

Một số hình ảnh của buổi thời sự:

CNVC-NLĐ Petrolimex Sài Gòn nghe thời sự tại hội trường Văn phòng Công ty

CNVC-NLĐ Petrolimex Sài Gòn nghe thời sự tại hội trường Tổng kho xăng dầu Nhà Bè

Nguồn:  Mai Tuấn Anh  -  Bí thư ĐTN Công ty
Petrolimex Sài Gòn