Kết nối sử dụng hàng Việt Nam: Thực trạng & giải pháp

 11:37 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười Một, 2018

Trong khuôn khổ chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam 2018” do Bộ Công Thương triển khai gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX) vinh dự đồng hành và tham luận với chủ đề "Kết nối sử dụng hàng Việt Nam: Thực trạng & giải pháp".

Lễ khởi động Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018"

Đại diện Petrolimex, Phó giám đốc Petrolimex Sài Gòn Đào Văn Hùngtham dự và trình bày tham luận.

Ban biên tập websitewww.kv2.petrolimex.com.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn bài tham luận này:

Thưa Quý vị,

Tham luận này được hình thành từ thực tiễn SX-KD của Petrolimex với mong muốn góp phần thiết thực vào việc nâng cao nội lực phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

I. KẾT NỐI

(1) Kết nối, xét về bản chất của ngôn từ, theo chúng tôi - đó là việc tạo ra sự thống nhất về nhận thức của nhiều người, nhiều tổ chức & doanh nghiệp để từ đó cùng có hành động nhất quán, đúng mục tiêu.

(2) Công cụ của kết nối chính là thông tin theo hành trình: nhà sản xuất/cung cấp dịch vụ - phương tiện truyền thông - người có nhu cầu về hàng hóa/dịch vụ; và ngược lại, các phản hồi từ khách hàng & công chúng.

(3) Để kết nối đạt kết quả tích cực thì rõ ràng: Thông điệp về hàng hóa/dịch vụ (thông tin thương phẩm) đưa ra phải ngắn gọn, rõ ràng; môi trường truyền thông phải trong suốt, không bị nhiễu bởi các tin fake và/hoặc dèm pha của đối thủ; phải lọc ra được các ý kiến phản hồi mang tính xây dựng từ khách hàng/công chúng.

II. THỰC TRẠNG

Từ 3 quan điểm trên, xoi xét vào thực trạng Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra các ưu/nhược điểm của thực tiễn “kết nối” của hàng hóa/dịch vụ hiện nay.

Việt Nam hiện có hơn 90 triệu người với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa/dịch vụ ngày càng cao xét cả về số lượng, chất lượng và sự đa dạng về chủng loại.

Thực tiễn nước ta cũng như trên thế giới cho thấy thị trường nội địa có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung. Vì vậy, các nước đều coi trọng thị trường nội địa và người tiêu dùng trong nước. Đây chính là nhu cầu tự tại, là nội lực trước khi tạo lập sức mạnh vươn ra các thị trường khác trên thế giới.

Chúng ta đã làm được nhiều việc để đưa hàng hóa/dịch vụ Việt Nam đến với Người Việt Nam. Nhưng rõ ràng, những gì chúng ta thấy trên hệ thống truyền thông đưa tin thì khâu kết nối còn rất nhiều bất cập: thông tin nhiễu loạn, thật giả lẫn lộn, ... niềm tin vào hàng hóa/dịch vụ bị ảnh hưởng gây tổn thất về kinh tế, công ăn việc làm và gây ra các bức xúc xã hội.

Gas nhái, dầu nhờngiả, giả cả cây xăng - là một ví dụ. Quý vị có thể thấy rất nhiều tin bài chúng tôi đã đăng/link tạiwebsitewww.petrolimex.com.vn.

(1)Thông tin thương phẩm

Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ tháng 7/2011. Việc ghi nhãn hàng hóa, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cảnh báo về sản phẩm, ... được nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin.

Nhưng vẫn tồn tại tình trạng chất lượng thông tin không rõ ràng, không đầy đủ, dễ gây nhầm lẫn; cung cấp thông tin sai lệch cho người tiêu dùng còn phổ biến với những hình thức như quảng cáo về chất lượng sản phẩm, hình ảnh minh họa hay tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với sản phẩm, dịch vụ khác; sản phẩm nhập khẩu không có hướng dẫn bằng tiếng Việt; thông tin cung cấp các kết quả kiểm nghiệm nhưng không kèm tài liệu hoặc dẫn giải nguồn gốc …

Hiện nay, theo quy định, hàng hóa được sản xuất, lắp ráp, chế biến, đóng gói tại Việt Nam để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn. Hàng hóa được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhận xuất khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm ghi nhãn. Hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải được giữ nguyên nhãn gốc và có nhãn phụ theo quy định. Nội dung bắt buộc phải có trên hàng hóa là tên sản phẩm, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm, xuất xứ.

(2)Công tác truyền thông marketing

Nhận thức của các doanh nghiệp về công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu tạo dựng niềm tin trong nhân dân về nhãn hàng của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao.

Công tác quản lý nhà nước, phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm của một số sở, ngành chức năng chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nên hạn chế kết quả kiểm tra/phát hiện/xử lý vi phạm. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường, chưa được truyền thông đầy đủ/kịp thời, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm giảm uy tín của hàng Việt.

(3)Tiếp thu ý kiến phản hồi của khách hàng & công chúng

Hiện nay, khách hàng ngày càng có nhiều quyền lực hơn. Họ muốn chủ động đưa ra những ý kiến phản hồi, cải tiến hay thay đổi sản phẩm theo sự hiểu biết hay ý muốn của mình trong quá trình tương tác với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại không tận dụng hết những lợi ích từ phản hồi của khách hàng, thậm chí không tìm hiểu phản hồi của khách hàng thông qua các điểm tương tác với họ.

Chính vì vậy, việc tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng để nắm bắt thị hiếu, lắng nghe ý kiến phản hồi để không ngừng cải tiến chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt là hết sức cần thiết.

III. GIẢI PHÁP

Để triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp thiết thực trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, cần chú ý giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tự thân doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của hàng hóa/dịch vụ. Trong bối cảnh mở cửa, người tiêu dùng có quyền rộng rãi hơn trong tiếp nhận thông tin và cơ hội lựa chọn các hàng hóa và nguồn cung cấp theo ý mình. Vì vậy, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần túy, dù cao cả, khi mà chất lượng sản phẩm dịch vụ kém, mẫu mã đơn điệu, thiếu tiện ích và các dịch vụ hậu mãi dường như không có so với các hàng ngọai nhập có mẫu mã bắt mắt, với nhiều tiện ích gia tăng và tính năng độc đáo, vượt trội, lại được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo chuyên nghiệp, lợi hại, công phu, tinh vi, có tổ chức bài bản.

Nói cách khác, với lợi thế “sân nhà” - hàng Việt Nam sẽ thuyết phục được người tiêu dùng Việt Nam khi những người lao động và quản lý doanh nghiệp Việt Nam “trên dưới một lòng" tận tâm sản xuất ra hàng hóa/cung cấp dịch vụ một cách trân trọng, giá cả cạnh tranh với hàng ngoại nhập, hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại và thuân lợi, cùng các điều kiện cung ứng và chăm sóc khách hàng chu đáo, tận tình.

Ở Petrolimex luôn đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, có chiến lược sản phẩm phù hợp, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (bằng các chương trình hành động cụ thể như: đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo đội ngũ, cải tiến quy trình phục vụ/bán hàng, duy trì cơ chế kiểm tra và bảo vệ thương hiệu, tạo lập các kênh trao đổi hiệu quả với khách hàng cùng với việc ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa theo xu hướng thời đại). Triết lý Kaizen, Quy tắc 5S, Quy trình 5 bước, ERP-EGAS, Xăng E5 RON 92 và Điêzel 0,001S-V, Dầu nhờn Petrolimex, Gas Petrolimex, …. của chúng tôi là các ví dụ điển hình.

Thứ hai, quan tâm phát triển, bảo vệ thương hiệu hàng Việt. Xây dựng & bảo vệ thương hiệu là việc tạo dựng và bảo vệ một biểu tượng, hình ảnh về doanh nghiệp, cũng như về sản phẩm của doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng, làm cho người tiêu dùng tin tưởng hơn, yên tâm hơn và có mong muốn được lựa chọn, tiêu dùng hàng hóa/dịch vụ của doanh nghiệp, còn các đối tác khác chấp nhận đầu tư, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp lâu dài, …

Thực tế cho thấy, Petrolimex xây dựng và bảo vệ thương hiệu có tác dụng tích cực trong việc khuyến khích hợp tác, gắn kết giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế. Một thương hiệu mạnh như Petrolimex tự thân có khả năng hấp dẫn cao với hầu hết các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Một doanh nghiệp sở hữu một thương hiệu mạnh thường trở thành một “địa chỉ đỏ” để các doanh nghiệp khác tìm đến, ký kết hợp tác, hoặc doanh nghiệp có thể lấy thương hiệu đó như là một tài sản để góp vốn vào những doanh nghiệp cổ phần mà họ muốn.

Việc bảo vệ bản quyền thương hiệu theo các quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế của Petrolimex cũng là một điều kiện để đảm bảo sự hợp tác, gắn kết kinh tế ổn định và lành mạnh giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế.

Thứ ba, tăng cường sự định hướng và sự hỗ trợ của Nhà nước, hiệp hội đối với sản xuất và phân phối hàng Việt. Khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt khi mở rộng theo nghĩa ưu tiên tiêu thụ và bán hàng Việt Nam, sẽ không dừng lại ở ý nghĩa cổ động chính trị thuần túy, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả cấp vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài, khi có sự hỗ trợ có tổ chức và thực chất của Nhà nước Việt Nam nhằm tăng sự thuận lợi trong tiếp cận, khả năng thanh toán và nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt.

Trước hết, Nhà nước tạo mọi cơ hội nhằm làm giảm bớt các chi phí thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam.

Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, cải tiến thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mạng lưới phân phối, bán lẻ.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc len lõi nhập vào thị trường Việt Nam, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng lậu trốn thuế, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại khác, … giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như để hàng Việt chân chính đứng vững và mở rộng tiêu thụ trên thị trường trong nước.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông. Để cải thiện tình trạng thiếu minh bạch thông tin đối với người tiêu dùng, cần có sự đồng thuận mạnh mẽ của các cấp, ngành, doanh nghiệp và xã hội. Trong đó, cần phát triển hệ thống quản lý giao dịch để bất cứ lúc nào người tiêu dùng đều có thể được cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, thông tin hàng hóa, các cảnh báo về tình trạng không an toàn của hàng hóa, ... cùng giải pháp xây dựng hệ thống tiếp nhận, phản ánh, xử lý khiếu nại của người tiêu dùng, liên kết với các tổng đài của cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng địa phương để kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng. Phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm/hàng hóa Việt Nam.

Tóm lại, giải pháp đứng đầu và quan trọng nhất vẫn là giải pháp về thông tin, truyền thông - marketing; thứ 2 là thiết lập mạng lưới phân phối, thông tin cho người dân biết, tiếp cận những điểm đó; thứ ba là tôn vinh những doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa chất lượng và giới thiệu với người tiêu dùng; cuối cùng là những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, kỹ năng bán hàng, …

LỜI KẾT

Chúng ta đang trong giai đoạn ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hàng hóa/dịch vụ của chúng ta đang phải tiếp tục nâng cao về chất lượng và cung cách phục vụ.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang chuyển dịch theo xu hướng từ chỗ kêu gọi lòng ái quốc sang việc hàng Việt Nam thuyết phục người Việt Nam. Trong năm 2018 cuộc vận động sẽ không chỉ dừng lại ở việc người tiêu dùng “ưu tiên” sử dụng hàng Việt Nam, mà còn tiến tới giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam sẽ “chinh phục” người tiêu dùng Việt. Điều đó càng cần các doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng hàng hoá, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.

Trên thực tế, nhiều hàng Việt Nam chất lượng cao được người tiêu dùng Việt Nam vui vẻ đón nhận và tôn vinh. Đó là điều đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt làm ăn bài bản & chân chính, tôn trọng quyền & lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Câu chuyện kết nối gồm 2 mặt của 1 vấn đề; ở đó, đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp Việt và sự thông thái của người tiêu dùng Việt Nam. Và, tất nhiên việc kết nối 2 mặt đó là câu chuyện của truyền thông trong sạch, vì lợi ích của doanh nghiệp Việt, người tiêu dùng Việt, mà nói rộng ra là công ăn việc làm của mỗi người dân và của sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam.

Quý vị có thể tham khảo thêm các thông tin liên quan đến bản tham luận này - tại hệ thống website Petrolimex của chúng tôi gồm Tập đoàn, các Công ty Xăng dầu thành viên và 6 Tổng công ty chuyên ngành PLX./.

Trân trọng cảm ơn Quý vị đã quan tâm theo dõi bài tham luận này!

Nguồn:  Đào Văn Hùng  -  Phó giám đốc
Petrolimex Sài Gòn