“Là nhà báo, thường đi công tác xa nhà, có những chuyến đi đến 1-2 tháng, tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu này. Công việc cho tôi cơ hội tiếp xúc với nhiều người, nhiều số phận. Trên những chuyến đi, tôi chạm vào, cảm, thấm thía với mọi nỗi khổ trong cuộc đời. Công việc cũng cho tôi nhiều cơ hội để lắng nghe và lên tiếng thay những cuộc đời oan trái. Và dù, tôi biết mình cứng rắn và mạnh mẽ, đôi lúc vẫn có những giây phút lén lau nước mắt hay “xao lòng” trước những hoàn cảnh, phận người” - Nhà báo Minh Diệu đã tâm sự như vậy khi giảng dạy tại lớp “Đào tạo nâng cao kỹ năng viết tin bài” tổ chức tại Công ty Xăng dầu Khu vực II từ ngày 13 đến 15.6.2017.
Nhà báo Minh Diệu (ngồi giữa) trong một chuyến công tác ra đảo
Thành phần tham dự lớp học là 25 cán bộ các phòng/ban, là những cán bộ kiêm nhiệm viết tin/bài cho Websitekv2.petrolimex.com.vn.
Trong những ngày đứng lớp,nhà báo Minh Diệuđã chia sẻ với các học viên những kinh nghiệm khi đối mặt với những rủi ro, hiểm nguy khi đi tác nghiệp; cách vượt qua những áp lực khi phỏng vấn và viết bài về nhân vật; gương điển hình; người tốt việc tốt; cách chuẩn bị tài liệu; cách đặt tít cho tin/bài; cách theo dõi và phát hiện đề tài; cấu trúc viết tin/bài sao cho hấp dẫn độc giả…
Lớp chúng tôi, người mới lần đầu tập viết, người có tâm lý ngại ngùng vì văn của mình “dở”… những tâm lý e ngại ban đầu được cô giáo tận tình hướng dẫn tháo gỡ.
Tôi, một chuyên viên kỹ thuật, lâu nay chỉ làm công tác chuyên môn, với các con số, thông số. Tôi thích viết nhưng chưa dám vì tâm lý e ngại. Và, trong buổi chiều học môn phỏng vấn, cả tổ bầu chọn tôi làm “phóng viên” để phỏng vấn nhà báo Minh Diệu. Tôi áp dụng những điều chị hướng dẫn: lập bảng hỏi, tránh việc đưa ra những câu hỏi ngây thơ; câu hỏi đương nhiên; câu hỏi đã có trả lời hay câu hỏi thiếu kiến thức, phạm quy… Rồi phong thái, trang phục, ánh mắt, cách “phá băng”, tạo cảm giác thân mật, tin tưởng cho người được phỏng vấn. Ấy thế mà khi bước vào cuộc phỏng vấn, tôi đã khá hồi hộp. Có lẽ, đó là vì đây là lần phỏng vấn nghiêm túc đầu tiên của tôi, và người được phỏng vấn lại là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm, chuyên đi phỏng vấn người khác. Tuy nhiên, câu chuyện của chị đã cuốn hút tôi, làm nỗi hồi hộp của tôi vơi đi. Cuộc phỏng vấn giữa tôi và chị trở thành cuộc trò chuyện chân tình, cởi mở và rất thẳng thắn.
Các học viên thực hành kỹ năng phỏng vấn tại lớp học
Chị kể về những kỷ niệm sâu sắc và cảm động trong cuộc đời làm báo, những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ thú vị, những cuộc đời, những con người đáng nhớ và đáng yêu.
Thời trẻ, chị học ngành sư phạm văn, nhưng trong chị luôn có một khao khát được làm báo. Và cơ duyên đã đến với vào một buổi chiều khi chị nhận được tin Công an TP. Hồ Chí Minh đăng tuyển phóng viên. Sau cuộc phỏng vấn tuyển dụng hôm đó, từ một cô giáo trẻ dạy văn, chị trở thành phóng viên của ngành Công an. Và buổi đi hiện trường lần đầu tiên của chị là một trải nghiệm khó khăn mà cả cuộc đời chị sẽ không quên: cùng các trinh sát đội chống mại dâm của Công an TP. Hồ Chí Minh đi phá án mại dâm. Những cảnh nhếch nhác ở hiện trường, những trái ngang, phức tạp của cuộc sống đã làm chị nhiều lần muốn rút lui chấp nhận một khởi đầu thất bại. Nhưng đêm về, chị nghĩ nếu thấy khó khăn mà sợ, mà né tránh thì sẽ không bao giờ thành công. Chị chấp nhận đối mặt với khó khăn, thách thức để tìm lời giải. Đến nay, sau 25 năm làm báo, chị bảo: “Những khó khăn, cơ cực, thậm chí nguy hiểm nhất của nghề báo tôi đều đã trải qua nên giờ sẽ không còn khó khăn nào thách thức tôi được nữa”.
Vậy mà, có những chuyến đi dài ngày, đêm về nhớ gia đình, nhớ chồng con, khi đối mặt một mình trong căn phòng vắng, chị đã khóc hết nước mắt. Những lời của con gái như những mũi kim làm tim chị xốn xang: “Mẹ ơi, nhà mình ngập lụt hết rồi, không phải nước mưa, là nước mắt của con nhớ mẹ đó!”. Đó là những giây phút tôi muốn bỏ nghề, bỏ tất cả để quay về với con. Nhưng sáng hôm sau tôi lại hít một hơi thật dài, thật sâu, nén sâu nỗi nhớ vào lòng để tiếp tục công việc của mình”, chị chia sẻ.
Câu chuyện chị đối mặt với cái chết trong chuyến đi thăm đảo Long Châu, Hải Phòng gặp ngày biển động; những tình cảm quý mến, cảm thông trước nỗi cô đơn của những người lính đảo canh gác hải đăng Long Châu hay chuyến đi Trường Sa, nỗi đau đớn và uất nghẹn khi đứng trên đảo Len Đao nhìn qua ống nhòm về đảo Gạc Ma; nỗi xúc động khi nhìn khóm hoa kiêu hãnh vươn lên trên đảo Sinh Tồn.
Nhà báo Minh Diệu tác nghiệp tại Trường Sa
Những câu chuyện chị chia sẻ, đó là cách truyền lửa nghề đối với chúng tôi, những người làm công tác truyền thông cho doanh nghiệp. Chúng tôi nhận ra những “ẩn ý”, thông điệp ngầm mà chị muốn chuyển tải đến chúng tôi: khi tình yêu, đam mê đủ lớn, khó khăn sẽ rất nhỏ.
Chị Minh Diệu cũng chia sẻ hành trình một năm thực hiệnPetrolimex ký sựtrên khắp nẻo đường đất nước: những sự kiện,những con người Petrolimex, nghĩa tình Petrolimex khiến chịkhông bao giờ quên được. Tất cả đều trở thành một kỷ niệm rất đẹp đối với chị, và những người bạn Petrolimex, những công nhân Ngành Xăng dầuPetrolimex trên khắp mọi miền đất nướcgiờ đây trở thành những người bạn của chị.
Chị Minh Diệu cũng trăn trở, suy tư về nghề báo hiện nay, vẫn còn hiện tượng nhà báo mang tư tưởng thị trường, thực dụng, khi nỗi lo cơm áo gạo tiền lấn át thì những quy tắc, đạo đức nghề nghiệp bị xem thường và có phần dễ dãi.
Cứ thế, sau mỗi câu hỏi của tôi là một lần chị trải lòng đầy cảm xúc: khi thì nhớ về một kỷ niệm, khi thì chia sẻ một kinh nghiệm làm báo, khi thì là một quan điểm về nghề làm báo. Cả lớp chúng tôi như cuốn hút vào câu chuyện đời, chuyện nghề của chị. Với tôi, đó là buổi phỏng vấn đầu tiên, đầy cảm xúc. Đời làm báo của chị thật sinh động, thú vị. Và con người chị vì vậy cũng rất thú vị: rất mạnh mẽ, rất lý trí và cũng rất tình cảm.
Nhà báo Minh Diệu và quay phim Anh Đông trao đổi trong lúc thực hiện Petrolimex Ký sự
Những điều chia sẻ của chị làm chúng tôi hiểu rõ hơn về công việc và cuộc sống của những người làm báo, những khó khăn, vất vả, những niềm vui và mơ ước đời thường. Và với chúng tôi, dẫu chỉ là những “nhà báo” của doanh nghiệp, đã học được rất nhiều điều từ chị, nhất là cách nuôi dưỡng niềm đam mê của mình.
Chúng tôi, những người đang tập tành làm báo cũng có những giây phút “xao lòng’ trước chị và những câu chuyện chị kể. Được học tập từ một nhà báo như chị là may mắn của chúng tôi. Những ngày vừa qua quả thật bổ ích và lý thú.
Các học viên khóa đào tạo chụp ảnh lưu niệm cùng Nhà báo Minh Diệu trong chuyến đi thực tế tại CHXD số 62 Petrolimex Sài Gòn