(Chinhphu.vn) - Ngày 13/3 được chọn là ngày truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam theo Quyết định số 212/QĐ-TTG năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là niềm tự hào của tất cả công nhân viên chức lao động đã và đang làm việc trong ngành. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống của ngành, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam
Thưa ông, cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13/3/1928 được coi là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của các thế hệ công nhân xăng dầu. Nhìn lại chặng đường 90 năm ông có cảm xúc gì về các thế hệ công nhân ngành xăng dầu?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Quyết định số 212 của Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 13/3 hằng năm là Ngày Truyền thống xăng dầu cách mạng Việt Nam, điều này khẳng định những thành quả và truyền thống của cán bộ công nhân viên, người lao động trong lĩnh vực xăng dầu suốt 90 năm qua.
Ngày 13/3/2018, chúng tôi sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm tại nơi diễn ra cuộc đình công đầu tiên cách đây 90 năm. Những kết quả và thành tựu ghi được trong 90 năm qua rõ ràng đậm nét trong mọi thời kỳ từ kháng chiến chống Pháp và đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Xăng dầu được coi là một trong những hoạt động quân sự cung cấp cho tiền tuyến thông qua đường ống dã chiến, thông qua công cụ thô sơ nhưng đáp ứng được cho nhu cầu chiến đấu để giải phóng miền Nam và trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc. Sau khi đất nước được giải phóng, xăng dầu cũng đảm trách nhiệm vụ hết sức to lớn đối với nền kinh tế thông qua việc đáp ứng một cách vô điều kiện các nhu cầu tối thiểu trong điều kiện chúng ta không dư dật. Tất cả những cái đó đều có tính chất lịch sử và cũng là niềm tự hào của toàn bộ người lao động trong lĩnh vực xăng dầu.
Đến nay, sự lớn mạnh của ngành xăng dầu được ghi nhận. Đây là niềm tự hào của toàn bộ CBCNV ngành xăng dầu Việt Nam nói chung và của Petrolimex nói riêng. Nhiều năm qua ngành luôn bảo đảm nguồn cung cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước mỗi năm chiếm xấp xỉ 10%.
Thực hiện chiến lược đổi mới và phát triển theo đường lối của Đảng, Nhà nước, hoạt động kinh doanh xăng dầu đã từng bước chuyển theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Để duy trì được các mục tiêu bảo đảm nguồn cung xăng dầu không đứt đoạn trong bối cảnh thế giới có nhiều lúc biến động, Tập đoàn đã có những giải pháp tổ chức vận hành ra sao ?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Thứ nhất, quản trị lại hệ thống bằng cách tái cấu trúc, cổ phần hóa, niêm yết trên sàn để bảo đảm tính công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh xăng dầu .
Thứ hai, lấy thước đo hiệu quả cổ tức với các cổ đông làm thước đo hết sức quan trọng.
Thứ ba, tổ chức tốt các dịch vụ khách hàng thông qua mạng lưới của mình ở 63 tỉnh, thành phố.
Như vậy, đối với Petrolimex khi chuyển sang cơ chế thị trường cũng phải rà soát và xây dựng lại tất cả các chuẩn mực của một công ty hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu có sự cạnh tranh nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới để đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Có thể nói, với lộ trình tái cấu trúc của Tập đoàn, đến ngày hôm nay, Petrolimex đã trở thành tập đoàn lớn mạnh, bền vững về tài chính, bảo đảm đáp ứng đối với khách hàng của mình về nhu cầu xăng dầu.
Về định hướng dài hạn trong thời gian tới, bức tranh của ngành phân phối xăng dầu nói chung và Petrolimex nói riêng sẽ ra sao thưa ông, sau khi các nhà máy lọc dầu mới như Nghi Sơn và tới đây nữa là Long Sơn đi vào hoạt động?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Cùng với sự ra đời của một số nhà máy lọc dầu như Dung Quất thời gian qua và tới đây là Nghi Sơn và một số dự án, bản thân Petrolimex đã phải thay đổi toàn bộ các kết cấu tạo nguồn, thay bằng việc tổ chức nhập khẩu thì đã cơ cấu lại bao nhiêu phầm trăm lấy ở các nhà máy lọc dầu để bảo đảm cho hệ thống của mình lưu thông tốt nhất và hợp lý nhất về mặt chi phí.
Thứ hai, Petrolimex cũng phải tìm kiếm những dự án như dự án lọc dầu ở Nam Vân Phong cùng với đối tác xây dựng nhà máy lọc dầu bảo đảm cho cơ cấu sản phẩm của mình.
Thứ ba, ngoài những cơ sở lọc dầu trong nước, Tập đoàn cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với các dự án lọc dầu ở trong khu vực vốn nơi đó đang dư thừa công suất để đạt hiệu quả cao nhất trong khâu tạo nguồn.
Tập đoàn tiếp tục đổi mới công nghệ một cách căn cơ đáp ứng chẩn mực mới của quốc tế, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm ngày càng yêu cầu cao đối với môi trường.
Trong lộ trình 3 năm tới, Tập đoàn sẽ tự động hóa mạng lưới của mình ở hầu hết các thành phố lớn, như vậy song hành với tổ chức thay đổi vật chất kỹ thuật, điều quan trọng là phải thay đổi phương pháp quản trị theo mô hình tiên tiến, áp dụng hệ thống phòng ngừa rủi ro và tính toán hiệu quả. Kết quả cuối cùng là bảo đảm hiệu quả lợi nhuận đồng vốn của cổ đông, trong đó cổ đông Nhà nước là cổ đông chi phối.
Thưa ông, trong Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2015-2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ thương mại khu vực và quốc tế, xây dựng Tập đoàn thành tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững. Tính đến nay chúng ta đã đi 2/3 chặng đường, ông có thể nói về các mục tiêu và kết quả của Tập đoàn ?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Kết quả thông qua đối với các chỉ tiêu mà Nhà nước quản lý bao gồm doanh thu, vốn, lợi nhuận, kết cấu tài sản có thể nói Tập đoàn cơ bản đã hoàn thành các đích của năm 2020. Đặc biệt, trong năm 2016-2017, Tập đoàn đã đạt thành tựu cao nhất từ trước đến nay với lợi nhuận hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2016 và xấp xỉ 5.000 tỷ đồng năm 2017.
Điều quan trọng vốn hóa của thị trường sau khi được niêm yết đã gấp 10 lần so với ban đầu tại thời điểm cổ phần hóa, hiện nay vốn hóa của Tập đoàn xấp xỉ 100 nghìn tỷ, tất cả những yếu tố về bảo đảm vật chất, rủi ro hầu hết đã loại trừ, tình hình tài chính của Petrolimex được cải thiện rõ rệt, Tập đoàn không có đơn vị lỗ hoặc yếu kém trong tình trạng mất cân đối.
Xin trân trọng cảm ơn ông!