Ngày 17/9/2013, Công ty Xăng dầu Khu vực II - TNHH MTV (Petrolimex Sài Gòn) tròn 38 tuổi. Nhân dịp này, Tạp chí Công Thương (TCCT) đã có cuộc trò chuyện thú vị với ông Nguyễn Văn Cảnh - Phó giám đốc Công ty. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Nguyễn Văn Cảnh Phó giám đốc Petrolimex Sài Gòn |
PV: Xin ông cho bạn đọc của Tạp chí Công Thương biết sơ bộ về ý nghĩa ngày thành lập Petrolimex Sài Gòn? Nếu nói ngắn gọn một câu về Petrolimex Sài Gòn, ông sẽ nói gì?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Chị biết đấy, đúng 5 tháng 17 ngày sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì Petrolimex Sài Gòn được thành lập (17/9/1975). Như vậy, sự ra đời của Petrolimex Sài Gòn gắn liền với các công việc lớn của đất nước. Vậy nên, vào ngày thành lập của chúng tôi, mọi người đều có một cảm giác tự hào.
Còn nói ngắn gọn về Petrolimex Sài Gòn, ở miền Nam, mọi người thường gọi Petrolimex Sài Gòn là “Anh cả đỏ” với ý nghĩa cách mạng và trong sáng của từ này. Trên thực tế, Petrolimex Sài Gòn luôn là người “đứng mũi chịu sào” tin cậy trong câu chuyện bảo đảm xăng dầu cho Thành phố Hồ Chí Minh, cho các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thậm chí cả khu vực Tây Nguyên trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi còn cung cấp xăng dầu cho cả nước bạn Campuchia.
PV: Hoạt động chính của Petrolimex Sài Gòn hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Chúng tôi nhập khẩu xăng dầu bằng tầu lớn về nhập vào tồn chứa tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè; rồi từ đó tỏa đi muôn nơi.
Về bán lẻ, chúng tôi có hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) do Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu Petrolimex Sài Gòn trực tiếp quản lý. Hệ thống CHXD thuộc sở hữu của Petrolimex Sài Gòn chỉ có 65 cửa hàng trên tổng 514 cửa hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; còn lại là của các doanh nghiệp khác, các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, theo chính sách của nhà nước và uy tín của chúng tôi, một hệ thống đại lý bán lẻ cũng hình thành trên cơ sở hợp đồng đại lý. Các đại lý bán lẻ do Xí nghiệp Bán lẻ Xăng dầu thuộc Petrolimex Sài Gòn ký kết, giao hàng. Tại thời điểm hiện tại, Petrolimex Sài Gòn có 80 đại lý với hơn 100 điểm bán hàng.
Về bán buôn, chúng tôi bán trực tiếp cho các doanh nghiệp có nhà máy, xí nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực điện, xi măng, đường sắt, xây dựng, dệt - nhuộm, v.v… theo các hợp đồng cung cấp dài hạn hoặc đấu thầu bán theo từng lô (tùy từng trường hợp cụ thể).
Về xuất khẩu chúng tôi có thị trường Campuchia; các khu công nghiệp, khu chế xuất hoạt động tại Việt Nam; các tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam,… Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhập khẩu ủy thác cho một số doanh nghiệp đầu mối khác (ví dụ: Nhà máy Điện Hiệp Phước) và cung cấp dịch vụ giữ hộ đối với lượng hàng ủy thác này (nhập 1 lần bằng tầu lớn rồi xuất dần nhiều lần bằng xà lan hoặc ô tô xi-téc/xe bồn theo nhu cầu sử dụng của khác hàng).
Ngoài các hoạt động kinh doanh thương mại, Petrolimex Sài Gòn còn thực hiện nhiệm vụ giữ hàng P10 (hàng dự trữ quốc gia). Cái này, theo luật, thuộc thông tin bảo mật nên tôi không thể nói chi tiết hơn.
PV: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn được biết đến là doanh nghiệp kinh doanh trên một số lĩnh vực nữa xoay quanh xăng dầu. Vậy Petrolimex Sài Gòn thì thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Petrolimex có một số lĩnh vực chuyên doanh với quy mô toàn quốc, đã & đang hình thành các Tổng công ty chuyên ngành theo kế hoạch tái cấu trúc đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt: Dầu mỡ nhờn (Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex “PLC”), gas (Tổng công ty Gas Petrolimex “PGC”), vận tải xăng dầu (Tổng công ty Vận tải Thủy “PGT”), bảo hiểm (Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex “PJICO”), ngân hàng “PGB”,…
Là thành viên Petrolimex, chúng tôi đều triển khai cung cấp các hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Petrolimex trên cơ sở hợp đồng kinh tế ký kết với các Tổng công ty/Công ty chuyên ngành. Điều đó xuất phát từ tính hệ thống của Petrolimex; bên cạnh “màu cờ sắc áo” các lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm và thu nhập của người lao động.
Bên cạnh đó, Xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và là vật tư chiến lược đối với dân sinh và kinh tế - xã hội. Hàng hóa/dịch vụ Petrolimex có chất lượng cao, giá cả hợp lý nên được người tiêu dùng đón nhận sử dụng. Petrolimex Sài Gòn xác định không ngừng phát triển kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ Petrolimex trong bối cảnh nhà nước phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
PV: Đối với Petrolimex Sài Gòn, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè có vai trò như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè chính là cơ sở vật chất quan trọng nhất của Petrolimex Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ chính của chúng tôi trong công tác bảo đảm xăng dầu cho các nhu cầu dân sinh, hoạt động kinh tế, an ninh quốc phòng, dự trữ quốc gia; cung ứng xăng dầu cho nước bạn Campuchia. Hiện tại, Tổng kho với sức chứa 700.000 m3, có năng lực qua kho 8 triệu m3, tấn mỗi năm; trang thiết bị hiện đại, tiên tiến; đội ngũ CBCNV-NLĐ chuyên nghiệp và trách nhiệm. Đây chính là điểm tựa rất vững chắc để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng chính là niềm tự hào của CBCNV-NLĐ Petrolimex Sài Gòn.
Ngoài ra, Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè còn có ý nghĩa lớn về lịch sử. Trong chiến tranh, kho xăng dầu bao giờ cũng là mục tiêu để đánh phá. Ngoài Bắc, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang, các kho xăng dầu khác ở Hải Phòng, ở Việt Trì… cũng bị ném bom. Ngay tổng hành dinh của Petrolimex tại số 1 - Khâm Thiên cũng bị không kích, Tổng giám đốc Phạm Văn Đạt của chúng tôi đã hy sinh năm 1972 khi đang chỉ huy toàn hệ thống bảo đảm nguồn xăng dầu cho các mục tiêu. Chiến tranh thì hình ảnh của nó là đổ nát và tan hoang; bởi chiến tranh không phải là kiến tạo. Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè khi Petrolimex Sài Gòn tiếp quản là như thế. Chị có thể thấy điều đó qua các tư liệu lịch sử của chúng tôi lưu tại Tổng kho.
Về hoạt động xã hội, đơn vị có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như nuôi dưỡng 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các hoạt động tặng quà gia đình chính sách, hỗ trợ người nghèo, các phong trào xã hội từ thiện khác, mỗi năm, đơn vị vận động và chi hàng tỷ đồng cho công tác này.
Để hoàn thành sứ mệnh “Anh cả đỏ”; không biết bao nhiêu sức người, sức của của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cùng công nhân viên chức - người lao động Petrolimex Sài Gòn đã tạo dựng lên diện mạo Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè của ngày hôm nay mà chị vừa trực tiếp đến thăm quan, làm việc.
PV: Trong thời gian tới, định hướng của Petrolimex Sài Gòn là gì?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Về tương lai, Petrolimex Sài Gòn luôn bám sát định hướng phát triển của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để hoạch định kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn cho sự phát triển của mình một cách toàn diện.
2 điểm cơ bản nhất mà tôi muốn nói: “Chủ đạo” và “bình ổn” vẫn là vai trò quan trọng nhất Petrolimex Sài Gòn vẫn tiếp tục phát huy trong lĩnh vực xăng dầu chính (xăng, điêzen, dầu hỏa và madút). Chủ đạo và bình ổn ở đây được hiểu là ở cả 2 phương diện: luôn đủ nguồn để cung cấp theo nhu cầu và giá bán thực hiện theo quy định hiện hành.
Đây là các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Nó vừa thiết yếu trong cuộc sống thường ngày lại vừa chiến lược ở phương diện một đất nước. Vì thế nó được điều hành bằng một nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Petrolimex Sài Gòn vinh dự đóng trên thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Thành phố Hồ Chí Minh được cả nước và thế giới biết đến là một thành phố năng động, được Đảng và Chính phủ xác định là đầu tầu kinh tế.
Nói đến xăng dầu - điều đầu tiên phải nói đến là bảo đảm an toàn trong phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Chúng tôi tự hào đã làm tốt công tác này như chị đã đi thực tế về, viết bài “Chất lính và tính chuyên nghiệp”.
PV: Một lời với cán bộ công nhân viên, độc giả, người tiêu dùng và đối tác?
Ông Nguyễn Văn Cảnh:Tôi gửi lời trân trọng cảm ơn đến Ban lãnh đạo Petrolimex, Bộ Công Thương; Đảng bộ, chính quyền các cấp cùng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; người tiêu dùng, khách hàng, đối tác, bạn hàng của Petrolimex Sài Gòn tại Việt Nam và ở nước ngoài.
Tôi cũng xin thay mặt Ban lãnh đạo Petrolimex Sài Gòn hiện nay trân trọng cảm ơn tất cả các thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý cùng CBCNV-NLĐ đã công tác tại Petrolimex Sài Gòn đã không ngừng nỗ lực dựng xây để Petrolimex Sài Gòn có một tầm vóc như hiện nay.
PV:Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.