Sáng ngày 19.01.2019, Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) và Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang (Petrolimex Kiên Giang) phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam(MTTQVN) tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ khánh thành cầu nông thôn Kênh 14 tại ấp Hỏa Ngọn A, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Đây là một trong những công trình do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tài trợ, thuộc chương trình chính sách xã hội tại tỉnh Kiên Giang giai đoạn II (2014 - 2018). Cầu có 3 nhịp, nối liền tuyến lộ kênh Bốn Thước ra Quốc lộ 63; có tổng chiều dài 21,5m - rộng 3m; bề rộng nhịp thông thuyền 9m - tĩnh không thông thuyền cao 3m; với tổng mức đầu tư 550.000.000 đồng.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em cùng Chủ tịch Petrolimex Sài Gòn Nguyễn Văn Cảnhgỡ khăn phủ biển tài trợ ...
và cắt băng khánh thành cầu Kênh 14tại ấp Hỏa Ngọn A, xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang
Trong không khí hân hoan đón chào Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến gần, việc khánh thành cầu Kênh 14 đã thật sự mang đến niềm vui to lớn cho bà con nhân dân ấp Hỏa Ngọn A - xã Thạnh Yên A, huyện U Minh Thượng.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Đặng Tuyết Em tâm sự, trao đổi cùng Chủ tịch Petrolimex Sài Gòn Nguyễn Văn Cảnh một cách cách mộc mạc, sâu lắng: “Cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Khu vực II, Công ty TNHH Xăng dầu Kiên Giang đã luôn quan tâm và thực hiện tốt Chương trình Chính sách xã hội giai đoạn II (2014 - 2018) tại tỉnh Kiên Giang. Nhiều công trình của Petrolimex tài trợ có ý nghĩa và hiệu ứng rất tích cực, thể hiện tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.
Hôm nay, về thăm lại vùng căn cứ địa cách mạng, niềm vui của tôi như được nhân đôi khi thấy bà con hân hoan, phấn khởi vì đã có một cây cầu vững chắc, bà con được đi lại thuận tiện hơn, các cháu học sinh đi học sẽ an toàn hơn, không còn lo sợ khi phải đi qua cây cầu ọp ẹp, cũ kỹ, hàng hóa nông thủy sản lưu thông nhanh chóng. Cây cầu được xây dựng đảm bảo độ thông thuyền rất tốt, giúp cho bà con nông dân dễ dàng “lòi lúa” bằng ghe và xe - một cách nói đậm chất Nam bộ, có nghĩa là nông dân vận chuyển lúa bằng tàu, thuyền và xe”.