Xăng dầu - đâu chỉ là chuyện những cây xăng

 04:00 CH @ Thứ Năm - 17 Tháng Mười Một, 2016

Thời tôi học cấp 1-2, một trong những nhiệm vụ mà 5 anh chị em tôi lo lắng nhất là đảm bảo chất đốt. Không giống những gia đình trong nội thành, khu tôi ở nằm ở ngoại vi, lúc bấy giờ còn rất nhiều ruộng rau, vườn hoang, lại gần bãi sông Hồng, nên nếp sinh hoạt còn nhiều nét pha trộn nông thôn. Gian bếp của nhà tôi chia làm 2 phần, một bên là đôi bếp dầu tráng men sạch bóng bố được mua theo tiêu chuẩn. Nửa bên kia là bếp củi với các loại chất đốt phong phú: củi khô, lá khô, vỏ bào, mùn cưa, rơm rạ... do 2 ông anh nghịch ngợm xốc vác chịu trách nhiệm. Dầu hỏa nhà tôi cũng có phiếu tiêu chuẩn nhưng mua về thường bị bố mẹ tôi san ra làm mấy can, phần để gộp cùng với một số tạp phẩm chỉ có ở thành phố đem biếu gia đình các bác ở quê; phần còn lại chỉ dùng để thắp đèn và phòng những khi mưa gió, gian bếp bị dột thì mang bếp dầu vào nhà nấu nướng.

Xếp hàng mua dầu, một thời để nhớ

Mặc dù vậy, dầu hỏa cũng như các loại hàng hóa khác lúc ấy luôn khan hiếm nên để mua được theo tiêu chuẩn là vô cùng khó khăn. Do 2 ông anh đã chịu trách nhiệm phần bếp củi, nên xếp hàng mua dầu được giao cho mấy chị em gái. Không may cho tôi là chị gái đầu lấy chồng xa, chị thứ 2 bận học và luôn cho rằng tôi lớ ngớ, nên chỉ đáng giao cho mua dầu hỏa, chị tháo vát tinh khôn hơn nên để chị cầm tem phiếu mua gạo, thực phẩm (thực ra là chị bị hen nên rất sợ mùi dầu hỏa). Bình thường không sao, nhưng bỗng nhiên có đợt bố mẹ nghe người ta kháo nhau là phải tranh thủ mua không thì phải rất lâu nữa mới có. Kể ra như nhà tôi tới hàng nửa năm không đun bếp dầu cũng chẳng sao, nhưng bố mẹ sợ hết hạn tem phiếu nên kiểu gì cũng phải mua bằng được. Tôi còn nhớ có đận, hàng phố hẹn nhau dậy sớm để rủ nhau đi mua dầu, mới 5 rưỡi sáng đã í ới ngoài cửa. Hai chị em tôi mắt nhắm mắt mở bò dậy ăn quáng quàng cơm nguội rồi chất 2 cái can lên pooc-ba-ga xe đạp theo mọi người ra quầy chất đốt, đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác ngao ngán khi nhìn dòng người dằng dặc xếp hàng trước cái "Cửa hàng chất đốt phụ nữ" có những téc dầu để lộ thiên trên vỉa hè. Những hỷ nộ ái ố quanh chuyện xếp hàng thời ấy quá nhiều, tôi có kể lại cũng có gì mới hơn. Nhưng cái cảm giác hụt hẫng khi xếp hàng từ sáng đến trưa trong cái nắng điên người của mùa hè, đói mờ mắt rồi được thông báo là hết dầu, phải lếch thếch về không thì chị em tôi nếm trải không ít. Những bức xúc kiểu ấy thời bấy giờ là thường xuyên, ai cũng phải chịu đựng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, cũng có những gia đình may mắn có được người thân làm trong ngành thương nghiệp, bà con chòm xóm hết sức nể phục, nhờ vả các kiểu. Lớp trẻ bây giờ được nghe câu ngạn ngữ "ruộng sâu trâu nái không bằng gái thương nghiệp" là ngẩn tò te, chả hiểu vì sao. Chẳng vậy, bà và mẹ tôi thường động viên mấy chị em, cố học giỏi để mai sau kiếm chân bán hàng mậu dịch, không xăng dầu chất đốt thực phẩm thì cũng cố lấy bách hóa ăn uống giải khát cũng được. Đấy là nói vụng như vậy sau lưng, chứ bố tôi - với tư duy nghiêm khắc của một người lính thì cho rằng cách nghĩ như thế là kiểu “con buôn” (thời bao cấp, chúng ta coi trọng sản xuất, không khuyến khích lưu thông cá thể, vì cho rằng lưu thông không tạo ra sản phẩm, giá trị - nên mới gọi như vậy), không được phép.

Sau này trưởng thành, trong quá trình công tác, có dịp tìm hiểu về lịch sử ngành Xăng dầu, nhớ lại những nỗi niềm của một thời thơ ấu, tôi mới nhận ra rằng, hóa ra trong cái giai đoạn tưởng là "lên hương" nhất của ngành thương nghiệp thì bán xăng dầu, chất đốt lúc ấy cũng không sung sướng gì. Xăng dầu luôn là ngành độc hại, với nhiều khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp, về da, các bệnh về tiêu hóa… Trong số đó, bệnh hô hấp là phổ biến nhất. Mà thời bấy giờ, đất nước còn nghèo nên các điểm phân phối, bán chất đốt cũng rất thiếu các điều kiện bảo đảm an toàn lao động, chuyện ăn ngủ bên các phi xăng dầu là bình thường. Ngày rét gió thông thống, còn ngày nắng thì cái nóng được tính lên theo cấp số nhân bởi hấp hơi từ các bồn sắt, điều kiện làm mát thì cũng không khác gì người dân với vài chiếc quạt máy con cóc. Lại nhớ thời Hà Nội và những tỉnh thành khác trên cả nước mọc lên những cây xăng đầu tiên, tôi cũng như nhiều người khác nhìn những nhân viên trạm xăng với bộ đồng phục tinh tươm, đeo găng, đội mũ bảo hộ bán hàng với sự kính nể cố hữu, giống như đã nhìn những mậu dịch viên chất đốt từ thời xa xưa; những nhân viên trạm xăng ấy cũng giống như đại diện của một quyền lực, nên tất yếu họ sẽ có mức thu nhập rất "khủng", chưa kể lộc lá. Hóa ra cả chuyện này cũng không đúng nốt. Đến tận bây giờ, dù phần lớn các trạm xăng đều khang trang, thông thoáng, bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, phòng chống cháy nổ... nhưng vẫn là một trong những nghề nặng nhọc, vất vả nhất vì thường xuyên phải đứng giữa mưa nắng, còn khói bụi thì hít vô tư.

Mãi chọn khúc quân hành

Viết tới đây, tôi lại nhớ chuyện tình của một lãnh đạo Petrolimex. Anh chị đều là cán bộ, kỹ sư của ngành Xăng dầu, cùng lặn lội với nghề mà nên duyên. Anh kể lại, khi mới cưới nhau, tối về ngửi tóc vợ không thấy mùi xà phòng hay nước hoa, mà toàn thấy mùi xăng, ai cũng biết kiểu ấy thì phụ nữ chẳng mấy chốc mà rụng hết tóc, thương lắm mà không biết làm thế nào! Cũng giống như anh, phần lớn lãnh đạo chủ chốt của Petrolimex hiện nay đều trưởng thành từ những ngày gian khó; nhiều người trong số họ được điều động từ quân đội, thanh niên xung phong, tiếng là nhận nhiệm vụ mới, nhưng thực sự họ vẫn là những người lính. Bởi ngoài việc ngành Xăng dầu vừa đòi hỏi chặt chẽ về quy trình kỹ thuật, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi tinh thần chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện. Phẩm chất này trong thời chiến thì đã đành. Nhưng thời bình cũng không khác là mấy. Có nhiều chuyến công tác tôi thấy giữa rừng núi hoang vu hay hải đảo xa xôi vẫn có sự hiện diện của các trạm xăng dầu của Petrolimex, chứ tư nhân nào đủ sức. Các anh giải thích, ở một đất nước có đến 3/4 là diện tích đồi núi, điều kiện địa hình chia cắt, nhiều chỗ hiểm trở, khí hậu lại khắc nghiệt như Việt Nam, cũng giống như ngành Điện, để đưa được 1 lít xăng, dầu đến những nơi cần đến là vô cùng khó khăn, chi phí tốn kém gấp nhiều lần ở thành thị hay vùng đồng bằng. Ở đây không còn đơn thuần là chuyện bán mua tìm kiếm lợi nhuận, mà là vấn đề chiến lược quốc gia, là mạch nguồn của các hoạt động kinh tế và an ninh. Một cửa hàng trưởng xăng dầu Petrolimex ở Bắc Tây Nguyên giải thích với tôi: "Có những khi thiếu xăng dầu thì khí tài, máy móc hiện đại tới đâu cũng chỉ còn giá trị ngang với sắt vụn".

Cán bộ, công nhân viên Petrolimex vượt nhiều khó khăn đưa xăng dầu đi khắp mọi miền Tổ quốc

Thời điểm này, chỉ cần một thao tác đơn giản trên Google là hàng triệu kết quả về xăng dầu sẽ hiện ra. Nghĩa là cũng vẫn như cách đây vài chục năm, xăng dầu luôn gắn liền với đời sống của người Việt Nam, từ người dân thường tới các bậc lãnh đạo, với đủ hết vui, buồn, âu lo và hy vọng. Nói một cách công bằng, với người dân bình thường, hôm trước mua xăng hết 20.000 đồng/lít, hôm nay chỉ còn phải trả 18.000 đồng là vui và mong cứ được vui thế mãi. Nhưng đấy chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng công việc và mục tiêu hướng tới của ngành Xăng dầu. Như trên đã nói, phục vụ xăng dầu tại các vùng rừng núi hiểm trở đã khó, nhưng còn hơn triệu cây số vuông thềm lục địa trên biển Đông và các vùng hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc lại càng cần xăng dầu. Mà để làm chủ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thì rất cần tàu thuyền hiện đại, số lượng xăng dầu cung ứng, phục vụ cũng theo đó càng ngày càng nhiều lên. Có thể nói, trong số các "binh chủng" kinh tế của Việt Nam, xăng dầu ở trong top các ngành đã và đang tiệm cận với trình độ hiện đại nhanh nhất, bởi lẽ bắt buộc nó phải thế, không chỉ còn dừng ở phạm vi nội địa, mà đã bắt đầu vươn ra thị trường quốc tế. Có lần trao đổi với một Giám đốc của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tôi đặt câu hỏi so sánh việc có một sản phẩm như dầu nhờn Việt Nam được quốc tế công nhận với việc bình ổn được thị trường xăng dầu trong nước, để những người tiêu dùng bình thường như tôi luôn cảm thấy hài lòng, việc nào khó hơn? Vị Giám đốc không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa cho tôi xem 2 bức ảnh trong điện thoại của anh: một bức đen trắng về những người lính xăng dầu đang ngâm mình trong lũ để lắp đặt đường ống xăng dầu B12 huyền thoại ở Trường Sơn; bức còn lại có tính chất "selfie" - chụp anh cùng với những cán bộ khác đứng ở cổng trụ sở Petrolimex - số 1 Khâm Thiên, nơi có Bia tưởng niệm cố Tổng Giám đốc - Liệt sĩ Phạm Văn Đạt (hy sinh ngày 26/12/1972). Anh tâm sự rằng, chiến tranh đã qua lâu, nhưng trong tâm thức mỗi cán bộ ngành xăng dầu, luôn có mạch ngầm tự hào về "chất lính" của ngành. Đồng thời cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi người trong bộn bề những cám dỗ, thị phi của cuộc sống hôm nay.

Một đồng nghiệp của tôi, trong các bài báo của mình từng kịch liệt phản đối cách đặt vấn đề với Chính phủ của một số doanh nghiệp nhà nước ở ta hay đòi hỏi thêm những chính sách ưu đãi do "ngành có đặc thù cao". Theo quan điểm này, ngành nào mà chẳng có đặc thù, nếu ưu đãi hết thì ngân sách quốc gia lấy đâu ra cho đủ. Điều đó không phải không có lý. Nhưng thực tế cũng cho thấy, có những doanh nghiệp nhà nước đã dũng cảm bứt phá bằng nội lực và cạnh tranh sòng phẳng trong thời hội nhập, và Petrolimex là một ví dụ. Trong một lần công tác ở Tây Nguyên, xe chạy trên con đường tít tắp bên những cánh rừng bạt ngàn, trong cái xâm xẩm tối của buổi chiều cao nguyên lành lạnh, tôi nhìn thấy một tấm biển báo trạm xăng có chữ P với màu da cam quen thuộc, tự nhiên nhớ lại cái nhìn "kính nể" của bản thân đối với người làm xăng dầu thời "xếp hàng mua chất đốt". Nhưng lần này thì với một cảm xúc hoàn toàn khác.

Nguồn:  Đặng Ngọc Thu  -  Tổng biên tập
Tạp chí Công Thương