Petrolimex nhìn lại một chặng đường

 08:30 SA @ Thứ Hai - 23 Tháng Tư, 2018

Một năm của sự cân bằng trong hoạt động cốt lõi

Trong những năm qua, các nhà nhập khẩu lớn như Petrolimex đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm với chính sách thuế nhập khẩu thực tế cũng như chính sách tính thuế nhập khẩu được tính vào giá bán, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự biến động lớn đối với nguồn thu của doanh nghiệp. Từ năm 2016 trở về trước, xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và các nước Ả Rập với mức thuế suất khá cao quanh 20%, và thậm chí đây là con số đã giảm khá nhiều từ mức thuế suất hơn 30% trước đó. Điều này trở thành gánh nặng khá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu như Petrolimex, khi mà chính phủ luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát và giữ giá cả các mặt hàng cơ bản như xăng dầu ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng.

Năm 2016 có lẽ là một năm thuận lợi bất ngờ cho các doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu xăng dầu trong ngành, bởi ngoài chính sách được tính thuế nhập khẩu cố định ở mức cao quanh 16% vào giá bán, hiệp định FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc có hiệu lực từ đầu 2016 đã mang lại lợi thế lớn về giá mua bởi thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này chỉ có 10%, bằng 1/2 so với các khu vực nhập khẩu hiện tại. Thế nên xu hướng nhanh chóng chuyển dịch vùng nhập khẩu về Hàn Quốc đã làm cho mức thuế nhập khẩu thực giảm mạnh, điều này đặc biệt lại trở thành lợi thế cho những doanh nghiệp có đội tàu viễn dương với trọng tải tối đa lên tới hơn 100.000 tấn (DWT) như Petrolimex. Chính chênh lệch đáng kể giữa chi phí nhập khẩu thực và chi phí nhập khẩu được cho phép tính vào giá bán nói trên là yếu tố quan trọng mang về cho Petrolimex hơn 6.300 tỷ lợi nhuận trước thuế trong năm 2016, mức lợi nhuận cao nhất kể từ những ngày đầu thành lập.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng lợi thế nói trên chỉ đơn giản là yếu tố đột biến của riêng năm 2016, và chính phủ đã không quá trễ để nhận ra sự mất cân đối này. Một lần nữa, áp lực bình ổn môi trường vĩ mô đã dẫn đến sự thay thế của chính sách tính thuế nhập khẩu cố định ở mức 16% vào giá bán bằng một chính sách uyển chuyển hơn thông qua cách tính bình quân gia quyền thuế nhập khẩu theo tỷ trọng khối lượng nhập của từng khu vực trong quý trước đó kể từ đầu năm 2017. Chính điều này đã mang con số 16% trước đó về còn quanh mức 10 – 11% thuế được tính trong giá bán trong 2 quý đầu năm. Bộ Tài Chính thậm chí đã đi xa hơn khi quyết định đưa cả mức “thuế nhập khẩu 0%” từ nhà máy lọc dầu Dung Quất trong nước vào cách tính thuế bình quân, chính điều này đã mang mức thuế nhập khẩu tính vào giá bán về chỉ còn 8,56% trong Quý 4, con số này sau đó đã tăng trở lại mức 10% trong Quý 1 năm 2018.

Có thể thấy rằng, năm 2017 là năm mà hoạt động kinh doanh của Petrolimex đã được trả lại với tăng trưởng thực từ các hoạt động cốt lõi liên quan tới kinh doanh xăng dầu. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt gần 4.800 tỷ với sản lượng từ hoạt động bán xăng dầu đạt 12,29 triệu tấn, tăng trưởng ổn định 6.4% so với mức 11,55 triệu tấn của năm 2016. Đây là mức tăng trưởng hợp lý theo nền kinh tế của một doanh nghiệp có vị thế tương đối lớn với gần 50% thị phần tiêu thụ xăng dầu trên cả nước. Trong đó, lợi nhuận riêng của hoạt động xăng dầu đạt 2,385 tỷ trong năm 2017, xấp xỉ so với con số 2,452 tỷ cùng kỳ năm trước mặc dù lợi thế lớn về thuế nhập khẩu đã không còn nữa. Ngoài đóng góp từ tăng trưởng ổn định của sản lượng bán, có thể thấy rằng lợi nhuận được duy trì ổn định như vậy là nhờ vào sự cải thiện trong năng lực quản trị chi phí của Petrolimex trong năm vừa qua. Kế hoạch thoái vốn của doanh nghiệp trong năm nay và sự tham gia ngày một sâu sát hơn trong hoạt động quản trị của các đối tác nước ngoài nhiều năng lực như JX Nippon sẽ hứa hẹn không chỉ khả năng quản trị chi phí mà còn là kế hoạch thực hiện các chiến lược dài hạn của doanh nghiệp liên quan tới các chuỗi dịch vụ tích hợp và hoạt động thanh toán bằng thẻ trên hệ thống hơn 5.000 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc của doanh nghiệp. Cũng cần nói thêm rằng, trên quan điểm của các cổ đông, bên cạnh sự hiệu quả trong hoạt động quản trị, chính sự minh bạch và chuyên nghiệp theo các chuẩn mực quốc tế mà các đối tác lớn nước ngoài mang lại mới là yếu tố tạo ra sự khác biệt lớn giữa Petrolimex và các doanh nghiệp cùng ngành.

Ủy viên HĐQT Petrolimex Nguyễn Thanh Sơn nhận Kỷ niệm chương 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017

Minh chứng là vừa tròn một năm qua, Petrolimex đã niêm yết thành công trên sàn HOSE kể từ ngày 21/4/2017, và sau đó đã sớm đạt đủ điều kiện để được UBCK đưa vào danh mục VN30 bao gồm những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế. Mặc dù là thành viên mới của thị trường chứng khoán, nhưng với các thành tích vượt trội của mình, Petrolimex đã được Forbes vinh danh là một trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất với quy mô doanh thu thuộc top dẫn dầu gần 7 tỷ USD trong năm 2017. Với đặc trưng là mô hình bán lẻ có dòng tiền hoạt động kinh doanh tương đối mạnh luôn duy trì quanh mức 4.000 tỷ trong những năm qua, Petrolimex đã duy trì mức cổ tức bằng tiền mặt khá cao trên 30% trong 2 năm gần đây. Và với dư địa tăng trưởng như hiện tại, năng lực chi trả cổ tức bằng tiền mặt của doanh nghiệp trong những năm tới sẽ còn cải thiện mạnh mẽ hơn nữa.

Chưa kể tính đại chúng của Petrolimex lan tỏa rất mạnh trên sàn niêm yết, được ETF FTSE hàng đầu thị trường thêm vào danh mục với lượng mua lên đến hàng triệu đơn vị, có thời điểm thị giá PLX đạt 95 nghìn đồng / cổ phần tạo ra sự phấn khởi cho các cổ đông Petrolimex .

Theo nguồn tin Biên An Toàn thì đã có hàng trăm quỹ đầu tư tìm đến PLX với vị thế của một nhà đầu tư chiến lược đón đầu thoái vốn theo kế hoạch mà Bộ Công Thương đã trình chính phủ cho Petrolimex giảm tỷ lệ sỡ hữu nhà nước từ hiện tại về mức quanh 55% .

Những lợi thế cạnh tranh bền vững vẫn còn đó

Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất của Petrolimex trong hơn một năm qua đó là hệ thống nhận diện thương hiệu, diện mạo mới mẻ của các cây xăng và phong cách phục vụ của nhân viên. Sự thay đổi đồng bộ nhanh chóng này ở hầu hết các cây xăng của doanh nghiệp đến từ năng lực quản trị nhạy bén và thống nhất trên toàn hệ thống hơn 2,500 cây xăng hoạt động trực thuộc, chiếm gần 50% toàn mạng lưới phân phối xăng dầu. Trong khi đó tỷ lệ cây xăng trực thuộc này tại các đối thủ gần nhất như Pvoil chỉ chiếm khoảng 25%. Chính sự liên kết chặt chẽ này với hệ thống rộng lớn các cây xăng đã tạo ra tính chủ động của doanh nghiệp trong việc phổ biến các chiến lược phát triển quan trọng của công ty cũng như trong việc kiểm soát chất lượng dịch vụ tại từng cây xăng.

Sau khi đất nước thống nhất, Petrolimex được giao trọng trách phát triển thị trường cung ứng xăng dầu cho toàn nền kinh tế, điều này vô hình chung đã tạo ra cho doanh nghiệp một lợi thế lớn của người đi trước bởi việc có thể chủ động lựa chọn các vị trí đắc địa theo các hoạch định phát triển đô thị của Việt Nam từ những giai đoạn sơ khai. Đó cũng là lý do phần lớn các cây xăng chủ chốt của Petrolimex luôn tập trung ở các khu vực nội thành đông dân cư và lưu lượng giao thông dày đặc không chỉ ở Tp Hồ Chính Minh mà còn ở các tỉnh thành lớn còn lại trên cả nước. Điều này đã thúc đẩy sản lượng bán xăng dầu trung bình hằng năm trên từng cây xăng của Petrolimex trong những năm gần đây hơn 2.000 tấn, trong khi đó các đối thủ gần nhất vẫn hiếm khi đạt hơn con số 1.500 tấn.

Bên cạnh đó, với vị thế là nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất Việt Nam, Petrolimex là doanh nghiệp nội địa duy nhất sở hữu đội tàu viễn dương hùng hậu với trọng tải tối đa lên tới 100.000 DTW có mạng lưới hoạt động rộng lớn vươn ra các thị trường trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia và rộng hơn là các khu vực Trung Đông và Hàn Quốc. Mạng lưới hoạt động rộng lớn tạo ra nhiều lựa chọn trong chính sách mua hàng hóa xăng dầu giá tốt nhất cho doanh nghiệp, bên cạnh đó trọng tải lớn là một lợi thế để tiết giảm giá thành từ đó cải thiện tối đa biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Tương lai đang chờ đón phía trước

Bắt đầu từ ngày 01/05/2018, Chủ tịch hội đồng quản trị Bùi Ngọc Bảo sẽ chính thức thôi nắm giữ vị trí hiện tại. Tuy sẽ không còn trực tiếp quản trị doanh nghiệp, nhưng Chủ tịch Bảo vẫn đóng vai trò là người cố vấn chiến lược và tiếp tục đóng góp kinh nghiệm nhiều năm của mình cho quá trình phát triển của Petrolimex trong những năm sắp tới. Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn của Bộ Công Thương trong giai đoạn 2018 – 2019 từ 76% về 51% sẽ hứa hẹn tạo ra thay đổi lớn trong cấu trúc quản trị của doanh nghiệp khi mà tỷ lệ sở hữu của đối tác chiến lược lớn nhất là JX Nippon sẽ tăng lên, và mức độ tham gia vào hoạt động kinh doanh của đối tác nhiều năm kinh nghiệm này sẽ ngày một lớn hơn nhằm nâng cao sự nhạy bén và hiệu quả trong quá trình điều hành doanh nghệp.

Song song với quá trình thoái vốn, hiện Petrolimex cũng đang thể hiện là một doanh nghiệp dẫn đầu trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 vào các quy trình quản trị và hỗ trợ khách hàng. Cụ thể từ đầu năm 2018, Petrolimex sẽ phát hành hóa đơn điện tử cho khách hàng thay vì là hóa đơn giấy như trước. Và nếu biết rằng một năm doanh nghiệp phải làm việc với gần 20 triệu hóa đơn giấy thì việc chuyển đổi sang hình thức lưu trữ thông tin số sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm các khoảng chi phí xây kho bảo quản và lưu trữ. Bên cạnh đó, việc đánh giá nhu cầu tiêu thụ cũng như quá trình thanh toán của khách hàng nói chung sẽ được cập nhật tức thời vào hệ thống để ban quản trị có thể nhanh chóng thay đổi và đáp ứng với biến động của thị trường. Thêm vào đó trong năm 2017, Petrolimex cũng đã kịp thời phát triển các phần mềm định vị các khu vực có cây xăng của doanh nghiệp nhằm tạo ra thuận lợi tối đa cho khách hàng có thể tìm được vị trí cây xăng của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất. Dĩ nhiên việc phổ biến và đưa ứng dụng này đến tất cả người dùng vẫn còn là một con đường dài, nhưng đây là một khởi đầu khá phù hợp với xu hướng sử dụng điện thoại thông tin ngày nay của người tiêu dùng.

Sau cùng, nếu hướng đến một tầm nhìn xa hơn với chiến lược phát triển chuỗi các dịch vụ tích hợp và chiến lược thanh toán bằng thẻ trên toàn hệ thống, Petrolimex định vị sẽ thành một nhà bán lẻ với lợi thế lớn nhất đến từ thương hiệu uy tín đã được xây dựng từ những ngày đầu thành lập cùng với các vị trí vô cùng thuận tiện không chỉ cho hoạt động bán xăng dầu mà còn là các dịch vụ bán lẻ nói chung. Sau quá trình thử nghiệm các mô hình cộng tác với các chuỗi bán lẻ thương hiệu lớn như Family Mart, Pharmacity hay Vietwash, Petrolimex sẽ kết thúc dần hợp đồng với nhiều đối tác nhằm chọn lọc ra những chuỗi có năng lực kinh doanh và cộng sinh với Petrolimex một cách tốt nhất. Petrolimex của 5 năm tới sẽ không chỉ là một doanh nghiệp bán xăng dầu đơn thuần, mà còn có thể vươn lên để trở thành một chuỗi bán lẻ hùng mạnh trên nền tảng gần 6,000 cây xăng trải rộng trên toàn quốc.

Cám ơn bài viết của hostNguyễn Nhật Tiến- chuyên gia cổ phiếu PLX của Biên An Toàn. Quý NĐT có thắc mắc về cổ phiếu ngành xăng đầu nói chung và PLX nói riêng có thể liên hệ trực tiếp host Tiến hoặc liên hệ:

Website:www.bienantoan.com.vn
Điện thoại: 090 2317927
https://www.facebook.com/bienantoan/inbox/

Nguồn:  Nguyễn Nhật Tiến  -  Chuyên gia cổ phiếu PLX của
Biên An Toàn