Nhân 91 năm Ngày truyền thống Ngành xăng dầu Việt Nam (13/3/1928 – 13/3/2019), ông Phạm Đức Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX) đã dành cho Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương buổi trò chuyện về Người công nhân xăng dầu Petrolimex. Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.
Công nhân xăng dầu cũng là một người lính
Phóng viên (PV): Xin ông hãy chia sẻ những nét chính và ý nghĩa về sự ra đời của Ngày 13/3.
Ông Phạm Đức Thắng:
Tổng giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng |
13/3 hàng năm là dịp để các thế hệ CBCNV-NLĐ ôn lại và tự hào về thành tích vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; thông qua đó giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vững bước hội nhập quốc tế.
Trải qua 91 năm, CBCNV-NLĐ Petrolimex các thế hệ đã lưu giữ, tổng hợp và tái hiện sự kiện lịch sử qua nhiều bài viết, phim, tài liệu…sinh động và cụ thể mà công chúng và bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc, xem, nghiên cứu trên trang web của chúng tôi tại địa chỉwww.petrolimex.com.vn.
Để có cái nhìn tổng quan, tôi xin phép chia sẻ ngắn gọn câu chuyện về ngày này theo Quyết định 212/QĐ-TTg ngày 15/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đưa ta ngược dòng lịch sử trở về mốc khởi điểm là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13/3/1928.
Cùng với sự xâm lược của Pháp, tư bản xăng dầu phương Tây xuất hiện ở nước ta từ cuối thế kỷ XIX và lựa chọn cảng Nhà Bè (Sài Gòn) và Thượng Lý (Hải Phòng) làm tổng kho. Từ đây, thế hệ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện.
Có thể nói, đây là thế hệ công nhân sớm giác ngộ cách mạng, càng gian khổ, càng bị áp bức, họ càng yêu nước và căm thù giặc, do đó, thường xuyên bãi công, biểu tình. Đỉnh điểm là ngày 13/3/2019, tại Sở Dầu Thượng Lý (Hải Phòng), dưới sự lãnh đạo của các chiến sỹ cộng sản tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Thanh Bình… các công nhân xăng dầu bãi công thắng lợi vang dội.
Đây được xem là một dấu son chói lọi, mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu.
Ngày 13/3 hàng năm được chọn là "Ngày truyền thốngcủa ngành Xăng dầu Việt Nam" là vì thế.
Và, Sở Dầu Thượng Lý cũng chính là “địa chỉ đỏ” - cái nôi truyền thống của công nhân xăng dầu Việt Nam.
PV: Theo ông, đâu là điểm “gặp gỡ” giữa công nhân xăng dầu “xưa” và “nay”?
Ông Phạm Đức Thắng:
Khái quát về lịch sử phát triển ngành Xăng dầu Việt Nam và vai trò của công nhân xăng dầu Việt Nam, có thể chia thành 2 giai đoạn lớn: (1) Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và (2) sự ra đời, phát triển của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, ngành xăng dầu có nhiều biến động, thay đổi, phát triển cùng đất nước; trong đó, người lính – người công nhân xăng dầu là nhân tố quan trọng, luôn thể hiện rõ nét tính cách mạng và lòng yêu nước.
Tôi cho rằng, đó là điểm “gặp gỡ”, hay nói cách khác là điểm “hội tụ” của con người xăng dầu.
Thời chiến, mỗi công nhân xăng dầu thực sự là một người lính trung dũng, kiên cường, “quý xăng như máu”, luôn có mặt và đóng góp ở vị trí xứng đáng trong đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam.
Tại Petrolimex, tổng kết thành tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 đơn vị thành viên của Petrolimex và danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Lê Văn Thiêm - Chủ nhiệm Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh.
Thời bình, bản lĩnh cách mạng của mỗi người công nhân xăng dầu tiếp tục phát huy mạnh mẽ, vượt qua khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ phân tán chuyển sang tập trung, cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu xăng dầu cho sản xuất, quốc phòng và đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước.
Bản lĩnh ấy được Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Nguyễn Bá Hựu - Giám đốc Tổng kho Xăng dầu Đức Giang.
Giai đoạn đổi mới và hội nhập theo đường lối của Đảng và Nhà nước, tính cách mạng thể hiện ở hành động dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo.
Không dám nghĩ, dám làm, đối thủ sẽ vượt lên, mất thị phần kinh doanh, mất niềm tin của người tiêu dùng, nghĩa là thất bại. Không đổi mới & sáng tạo thì không thể hội nhập, càng không thể “tiến xa”.
Người lao động Petrolimex "Ở đâu cũng là một", sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ
Trong cuộc sống, có nhiều lý do, hoàn cảnh dẫn chúng ta đến với một công việc. Nhưng để gắn bó, để cống hiến cho một nghề vất vả như xăng dầu thì phải có bản lĩnh và tình yêu nghề cháy bỏng.
Yêu nghề là một cách thể hiện lòng yêu nước; đặc biệt đối với nghề được coi là mạch máu năng lượng quốc gia.
Nhắc nhớ lại câu chuyện lịch sử khi Tổng Công ty Xăng dầu mỡ - tiền thân của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ngày nay tiếp quản, khôi phục Sở dầu Thượng Lý, người đăng ký làm việc rất nhiều nhưng làm ở Sở Dầu thì ai cũng “sợ” vì cho rằng công nhân ở đây rất vất vả. Vì thế, nhiều người trong ngành phải vận động con em vào xăng dầu để giữ nghề của cha ông.
Thế nhưng, đến khi theo nghề rồi, ai cũng “ở lại” và gắn bó lâu dài. Truyền thống từ ông, cha được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành dòng chảy không ngừng.
Cùng chung tình yêu nghề thì người cũng yêu người, cả tập thể sẽ vững mạnh nhờ tinh thần đoàn kết. Ai cũng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, thi đua để cùng lan tỏa, nhân rộng những nỗ lực ấy vì sự phát triển chung của cả ngành. Người người cùng thi đua, cả tập thể thi đua. Đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước.
Điểm “gặp gỡ”, “hội tụ” ấy trở thành giá trị cốt lõi, hòa quyện trong tính cách của người công nhân xăng dầu như tính cách của một thương hiệu Petrolimex - “Trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy”, đầy tự hào vững bước “tiến xa hơn”.
Phát huy sức mạnh truyền thống “để tiến xa hơn”
PV: Vậy, đâu là dấu ấn riêng của người Petrolimex hôm nay?
Ông Phạm Đức Thắng:
Như đã nói trên, giống như những công nhân xăng dầu đang hăng say lao động trên khắp mọi miền tổ quốc vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thịnh vượng của nước nhà, người Petrolimex kế thừa trọn vẹn bản lĩnh cách mạng và lòng yêu nước của thế hệ cha anh với bề dày lịch sử đậm giá trị riêng.
Ở Petrolimex, dấu ấn riêng có thể mô tả bằng hình ảnh “người lính tiên phong”.
Vai trò tiên phong có ý nghĩa lớn và là nền tảng của sự phát triển bền vững chính là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Trách nhiệm xã hội được Petrolimex coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là cách thể hiện nghĩa tình Petrolimex. Kể từ khi thành lập, từng CBCNV-NLĐ Petrolimex luôn nỗ lực ở từng vị trí đảm bảo mạch chảy xăng dầu thông suốt phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, cung ứng xăng dầu đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại một số địa bàn có cung đường vận chuyển xa như các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang và vùng Bắc Tây Nguyên - hàng năm Tập đoàn phải hỗ trợ một phần không nhỏ chi phí tạo nguồn nhằm giảm bớt khó khăn cho một số đơn vị thành viên Petrolimex thực hiện nhiệm vụ này.
Nhà lưu trú học viên của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đồng Văn do Petrolimex tài trợ xây dựng
Rồi việc thực hiện rất tốt Nghị quyết 30a của Chính phủ tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) được Đảng, Chính phủ ghi nhận về hiệu quả giảm nghèo, mang lại diện mạo mới trên các huyện nghèo. Phát huy tình nghĩa ấy, Petrolimex tự nguyện thực hiện công tác an sinh – xã hội ở nhiều địa phương khác, đơn cử như Kiên Giang (5 tỷ đồng cho giai đoạn 2014-2018), Bến Tre (3 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2019), Khánh Hòa (7 tỷ đồng xây nhà Đại đoàn kết và công tác AS-XH); Phú Thọ (10 tỷ đồng cho giai đoạn 2016-2020),...
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là thực hiện các hoạt động mang tính nhân đạo mà còn bao gồm trách nhiệm bảo đảm tăng trưởng kinh tế hiệu quả song hành bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.
Các bạn đều biết, Petrolimex đang là doanh nghiệp xăng dầu tiên phong và duy nhất cung cấp các nguồn nhiên liệu sạch, giảm ô nhiễm môi trường, có mức tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại thị trường Việt Nam, như sản phẩm dầu Điêzen tiêu chuẩn Euro 5, và xăng Ron 95 tiêu chuẩn Euro 4.
Tiếp đến là tiên phong tự hoàn thiện và nâng cao chuẩn mực quốc quốc tế trong mô hình quản trị doanh nghiệp, minh bạch hơn, áp dụng khoa học công nghiệp, tự động hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành.
Cụ thể, triển khai thành công ERP & Egas giúp cho công tác quản lý rất hiệu quả; đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị thu hồi khí thải ra môi trường (VRU), xử lý nước thải hay nâng cấp các hệ thống cơ sở vật chất, công nghệ và trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường hiện đại có mức độ cảnh báo và phòng ngừa cao.
Với hơn 18 nghìn lao động, doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và luôn xác định an toàn mọi mặt là nhiệm vụ hàng đầu, kỷ luật đội ngũ và tính chuyên nghiệp phải là bản năng trong mọi hoạt động.
Tính chuyên nghiệp của người lao động Petrolimex ngang bằng với mặt bằng chung trong khu vực và quốc tế. Riêng trong bán lẻ tại CHXD Petrolimex có thể kể ra thực hành 5S, quy trình bán hàng 5 bước, quy định về ATVSLĐ & PCCC, lắp đặt camera đảm bảo an toàn tại CHXD, hóa đơn điện tử, giao dịch mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt thông qua thẻ Flexicard/Napas,…
Có thể khẳng định Petrolimex là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, thậm chí có thể nói là duy nhất làm được những điều này một cách tự giác, bài bản và có hệ thống.
Sự hòa quyện của “chất lính” và bản lĩnh tiên phong đổi mới sáng tạo tư duy, văn hóa để hội nhập trong thời đại 4.0 được phát huy mạnh mẽ qua truyền thống lịch sử 91 năm Ngành Xăng dầu, 63 năm Petrolimex, định hình nên nét văn hóa doanh nghiệp riêng chỉ có ở Petrolimex.
PV: Với tầm nhìn “Để tiến xa hơn”, Petrolimex làm thế nào để phát huy sức mạnh truyền thống trong chiến lược phát triển của mình, thưa ông?
Ông Phạm Đức Thắng:
Sức mạnh mềm hay còn gọi là quyền lực mềm (Soft Power) là khái niệm xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ XX. Đến nay, thuật ngữ này được sử dụng khá rộng rãi và ngày càng trở nên thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Sức mạnh mềm của một doanh nghiệp là sức mạnh vô hình, được thể hiện ở nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là văn hóa, truyền thống. Nếu phát huy được yếu tố truyền thống, doanh nghiệp chắc chắc sẽ vững vàng “tiến xa”.
“Để tiến xa hơn”, Petrolimex xác định, nhân tố quan trọng nhất vẫn là con người. Vậy làm thế nào để phát triển con người và biến điều đó trở thành “sức mạnh mềm” phát triển doanh nghiệp?
Trước tiên, chúng tôi xây dựng môi trường làm việc kỷ luật, chuyên nghiệp nhưng cũng thân thiện, cởi mở; đặc biệt chú trọng phát triển đời sống tinh thần, vật chất của cán bộ, người lao động.
Petrolimex coi trọng giáo dục truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua những chuyến đi “về nguồn”, những hoạt động văn hóa, lịch sử, chúng tôi muốn kết nối thế hệ trẻ với truyền thống, hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa, truyền thống.
Các phong trào thi đua lao động sản xuất thực sự đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, kết nối các thế hệ người lao động Petrolimex ở khắp mọi vùng, miền.
Bên cạnh đó, Petrolimex tập trung phát triển công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, phát triển các kỹ năng mềm của cán bộ, người lao động, tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Điều này sẽ giúp cho cán bộ, người lao động Petrolimex bản lĩnh hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Khi có bản lĩnh, cùng với lòng yêu nghề, yêu người, sẽ không bao giờ có chuyện “dễ làm, khó bỏ”.
Như vậy, kỷ luật, trách nhiệm, yêu nghề và cầu tiến chính là hành trang mà mỗi cán bộ, người lao động Petrolimex sẵn sàng để kề vai, sát cánh, xây dựng Tập đoàn “tiến xa hơn”.
Thế hệ thanh niên Petrolimex luôn tràn đầy nhiệt huyết
Bác Hồ kính yêu đã từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta”. Sức mạnh của truyền thống chính là nền tảng để tiến xa. Vì vậy, những ngày đầu tháng 3, hàng ngàn cán bộ, người lao động Petrolimex các thế hệ khắp mọi miền tổ quốc đều hướng về “địa chỉ đỏ” – cái nôi truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam.
Đất nước bước vào mùa xuân mới khởi sắc. Với sứ mệnh trở thành Tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam, phát triển bền vững, cung cấp tới người tiêu dùng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, thân thiện với môi trường, và được quốc tế luôn biết đến như là một đối tác tin cậy đầy tiềm năng thích ứng với sự phát triển của thời đại - Petrolimex đã sẵn sàng để viết tiếp trang sử của thế hệ mình, sẵn sàng “để tiến xa hơn”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !