Trong những ngày qua, toàn thể lãnh đạo, CBCNV Tổng kho tự hào ôn lại chặng đường45 năm thành lập và phát triển, gắn liền với sự phát triển đi lên của Đất nước và khẳng định sự phát triển của Tổng kho hiện nay là sự phát triển bền vững, tăng trưởng về quy mô sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Sản lượng qua kho những năm 1980 của thế kỷ trước đạt 600 nghìn tấn (m3)/năm đến năm 2019 sản lượng qua kho đạt sấp xỉ 6 triệu tấn (m3)/năm - là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của tập thể CBCNV Tổng kho trong sản xuất.
Trong 45 năm năm qua có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được Hội đồng Sáng kiến Tổng kho cũng như Hội đồng sáng kiến Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) công nhận, nhưng điển hình là các sáng kiến mang lại hiệu quả cao như:
(1) Hệ thống công nghệ xả kín nước đáy bồn:
Trước khi có hệ thống này, mỗi lần nhập xăng dầu thì trong đó thường có lẫn một khối lượng nước nhất định. Lượng nước này có trọng lượng riêng lớn hơn xăng dầu nên sau khi ổn định sẽ nằm dưới đáy bồn. Để quyết toán hàng hóa với đơn vị nhập hàng thì phải tiến hành xả hết nước có lẫn trong dầu bằng các xả qua các van xả đáy tại chân bồn và xả trực tiếp ra mương thoát nước quanh chân bồn. Các mương này sẽ dẫn về hố ga khi đó dầu nổi lên, còn nước thi thoát trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung và thoát ra ngoài môi trường. Các hố ga thì định kì 1 tháng/lần múc vét bằng thủ công. Do xả trực tiếp ra rãnh mương cho nên sẽ có lượng dầu lẫn theo làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, nhất là khu vực các bồn chứa dầu mazut (FO).
Sơ đồ và nguyên lý hoạt động điển hình của hệ thống
Để tạo ra môi trường sạch, không gây ô nhiễm môi trường và thu hồi hết lượng dầu lẫn trong nước xả ra thì Tổng kho đã đưa ra giải pháp là nước xả đáy bồn được thực hiện theo chu trình kín, nghĩa là dẫn ống xả nước đáy bồn về thẳng hố ga 3 ngăn, khi thấy có lượng dầu thì đóng van vào hố ga mà mở van lên bồn 10 m3 chứa lượng dầu lẫn nước này. Khi thấy dầu chảy ra hoàn toàn thì đóng van lại. Lượng dầu của ngăn thứ nhất của hố ga sẽ được hút về bồn 10m3. Khi lượng dầu trong bồn 10m3 đã ổn định thì tiếp tục xả nước của bồn này. Cuối cùng là bơm dầu từ bồn 10m3 về bể chứa và quyết toán hàng hóa.
Một số hình ảnh về hệ thống xả nước kín đáy bồn tại TKNB
Như vậy hệ thống xả hoàn toàn kín, dầu không ra ngoài môi trường nên đảm bảo khu bồn luôn sạch.
(2) Gia công và lắp đặt ống la-van hút và pha trộn phẩm màu trên tuyến công nghệ nhập xăng tại Kho dầu A,B,C:
Trước khi có hệ thống này, mỗi lần nhập xăng vào bồn chứa, phòng Hóa nghiệm các kho (nay là phòng Hóa nghiệm trung tâm) phải vận chuyển phẩm màu bằng thủ công lên nóc các bồn chứa xăng (bồn cao khoảng 15m - 16m, khối lượng khoảng 5 - 6 tấn/năm) và đổ xuống bồn qua các lỗ đo bồn để pha trộn với xăng nhập cho phù hợp với từng loại hàng nhập (A92, A95, KO). Nhưng với cách pha trên, phẩm màu hòa tan không đều, vẫn còn hiện tượng đóng cục không tan. Khi phẩm màu tan không đều, bộ phận hàng hóa phải tiến hành bơm chuyển bồn để phẩm màu hòa tan cho đều, vì vậy rất mất thời gian công sức lao động của công nhân, đồng thời lượng xăng bị hao hụt trong quá trình sang chuyển bồn là rất lớn.
Sau một thời gian nghiên cứu, TKNB thấy rằng công việc pha trộn phẩm màu bằng cách như trên rất tốn công sức của công nhân lao động, cũng như việc pha trộn phẩm màu không đều. Để pha đều phẩm màu cần phải có thiết bị pha trộn, nhưng thiết bị này nhập ngoại rất đắt tiền, số lượng cần nhập không lớn nên rất khó tìm đối tác để cung cấp thiết bị pha trận phẩm màu, vì vậy Tổng kho đã tiến hành nghiên cứu cách pha trộn phẩm màu bằng cách lắp hệ thống ống áp dụng nguyên lý hút phẩm màu bằng ống la-van. Ống la-van được đấu nối song song với hệ thống ống nhập, được hoạt động nhờ các van chặn. Hệ thống trên đã được lắp trên hệ thống công nghệ nhập xăng tại Kho dầu A, B, C, D.
Hình ảnh lắp đặt hệ thống pha phẩm màu trên tuyến công nghệ
Kết quả hệ thống hoạt động rất tốt. Phẩm màu pha trộn rất đều, tiết kiệm công sức lao động của người lao động, chi phí nhân công và hao hụt khi phải chuyển bồn để pha trộn phẩm đều giảm rất nhiều. Về giá của thiết bị, nếu phải nhập thiết bị của nước ngoài, giá mỗi bộ thiết bị pha phẩm màu khoảng 12.000 USD (tương đượng 200 triệu VNĐ), trong khi đó thiết bị pha phẩm màu của phòng nghiên cứu gia công chỉ là: 27 triệu đồng, nếu tính 3 kho thì tiết kiệm khoảng 600 triệu đồng (vào thời điểm năm 2006).
(3) Lắp đặt thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân kéo cần khi xuất hàng đường bộ của các bến xuất bộ tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè
Trước khi lắp đặt thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân kéo cần xuất hàng đường bộ tại các bến xuất bộ, công nhân vận hành xuất hàng chỉ dùng tay vịn được treo trên xà nhà và nằm vị trí trên nóc xe bồn. Do khi vận hành không phải lúc nào người vận hành cũng dùng tay vịn vào thanh vịn được, mặt khác trên nóc xe bồn do chứa xăng dầu vì vậy rất trơn cho nên khi di chuyển để vận hành thao tác kéo cần xuất hàng rất có thể bị trượt chân gây té ngã, có thể bị rơi từ trên xe xuống đất gây tai nạn.
Sau khi lắp đặt thiết bị bảo hộ cho công nhân kéo cần thì lúc bắt đầu giờ làm việc, công nhân xuất hàng đường bộ phải đeo dây an toàn vào người và dây đeo an toàn được đeo trong suốt thời gian làm việc.
Khi xe bồn vào vị trí xuất hàng, công nhân xuất hàng bước từ cần bật ra xe bồn tới tay vịn rồi móc cáp an toàn vào con trượt, rồi tiếp tục thao tác kéo cần xuất hàng. Khi người công nhân di chuyển trên bồn xe thì con trượt cũng di chuyển theo mà không ảnh hưởng gì tới quá trình thao tác vận hành xuất hàng. Bánh xe của con trượt được làm bằng đồng, hai đầu chặn bằng cao su tránh va đập gây tia lửa, vì vậy khi lăn trên thanh trượt sẽ không gây ra tia lửa, đảm bảo công tác an toàn cháy nổ.
Hình ảnh thao tác khi công nhân kéo cần
Trong quá trình vận hành, người vận hành có thể bị trượt chân gây té ngã hoặc rơi ra khỏi xe bồn, lúc đó sợi dây đeo căng ra giữ cho người vận hành không bị rơi xuống đất mà chỉ bị treo lơ lửng trên không, tránh được tai nạn có thể xảy ra đồng thời dùng sự hỗ trợ để đưa người vận hành xuống đất an toàn.
Hình ảnh tác dụng của hệ thống khi công nhân bị rơi khỏi xe
Sau khi gia công lắp đặt thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân kéo cần xuất hàng đường bộ tại các bến bến xuất bộ Kho dầu A, B, C thì hệ thống vận hành hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người thao tác xuất hàng trên nóc xe bồn.
(4) Lắp đặt hệ thống thu hơi xăng khi xuất xăng cho xe bồn
Khi xe vào vị trí lấy hàng, công nhân tổ xe bồn tháo nắp bồn chứa hàng (nắp có đường kính khoảng Ø180 – Ø220 tùy loại xe), sau đó cắm cần xuất bằng ống nhôm Ø100 vào hầm hàng và bắt đầu bơm xuất hàng. Do cần xuất bằng ống Ø100 cho nên tiết diện còn lại của nắp bồn chứa còn lớn, vì vậy hơi xăng thoát ra rất mạnh gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực cần xuất, làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người vận hành do hít thở không khí có nồng độ hơi xăng cao.
Sau khi lắp đặt hệ thống thu hơi xăng khi xuất xăng cho xe bồn, hơi xăng được thu gom vào nắp chụp, thoát qua ống mềm PVC Ø42 rồi qua gom vào đường trục chính PVC Ø90 thoát ra ngoài nhà xuất xe bồn vì vậy không khí tại khu vực xuất hàng giảm rất nhiều hơi xăng, giảm đáng kể ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho người vận hành cũng như môi trường xung quanh.
Hệ thống sau khi được lặt đặt &kết cấu nắp chụp
Sau khi lắp đặt hệ thống, Trung tâm bảo vệ sức khỏe lao động – môi trường thuộc Sở y tế TP.HCM có đo kiểm hơi khí độc khi xuất xăng tại các cần xuất bến xuất bộ có kết quả nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn vệ sinh lao động số: 3733/2002/QĐ – BYT ngày 10.10.2002, làm giảm mức độ độc hại cho công nhân trực tiếp vận hành cần xuất xăng do không phải tiếp xúc với hơi xăng dầu.
Trong suốt chiều dài 45 năm qua, bốn sáng kiến trên chỉ là một trong rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất của Tổng kho đã góp phần không nhỏ để Tổng kho vươn mình phát triển thành một trong những kho xăng dầu lớn nhất Việt Nam, với sản lượng qua kho tăng từng ngày. Thành tích trên đạt được là do sự chung sức của tập thể CBCNV Tổng kho xăng dầu Nhà Bè cùng với sự quan tâm, khuyến khích của lãnh đạo các cấp.