Phải chung tay minh bạch xăng dầu. Phải đưa Nghị định 83 vào cuộc sống. Trong đó, doanh nghiệp phải chủ động, cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết, làm nền tảng căn bản giúp cho người tiêu dùng tỉnh táo, phân biệt rành mạch cửa hàng nào và của ai!
Hiện Petrolimex đang dẫn đầu thị trường kinh doanh xăng dầu cả nước với 2.500 CHXD, chiếm lĩnh khoảng 50% thị phần. Ở vị trí thống lĩnh như vậy, nhưng Petrolimex cũng có nỗi lo. Chỉ có điều, nỗi lo ấy, chớ trêu thay lại xuất phát từ sự… quá nổi tiếng.
Biểu trưng chữ “P” của Petrolimex, hay còn gọi là nhãn hiệu, logo Petrolimex được công bố lần đầu tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập vào ngày 12/1/1991. Logo miêu tả hình tượng Phuy xăng và Giọt dầu, được cách điệu thành chữ P, là chữ cái đầu tiên của từ Petrolimex. Được công nhận là đẳng cấp một logo đỉnh cao, không cần nhiều lời để mô tả, tất cả những gì cần nói đều rất dễ hiểu.
Sự quá nổi tiếng của một logo dường như là sinh ra để dành cho lĩnh vực xăng dầu, nên mấy chục năm qua, đấu tranh chống nạn xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex luôn là vấn đề nóng của Tổng công ty trước kia, nay là Tập đoàn.
Sự xâm phạm xảy ra ở nhiều địa phương, dưới nhiều hình thức. Có khi rất tinh vi, như khi sử dụng nhãn hiệu áp dụng cho khối đại lý/tổng đại lý, hay nhãn hiệu áp dụng cho khối nhượng quyền thương mại nhưng cố tình làm mờ chữ “đại lý”, “nhượng quyền thương mại” đi, một hình thức “lập lờ đánh lận con đen” cố tình để người tiêu dùng lầm tưởng rằng đây là cửa hàng trực thuộc hệ thống CHXD của Petrolimex.
Cũng có khi vi phạm trắng trợn, sử dụng luôn nhãn hiệu vốn chỉ dành riêng cho hệ thống CHXD Petrolimex, ngay cả khối đại lý/tổng đại lý hay khối nhượng quyền thương mại cũng không được phép sử dụng.
Trang phục BHLĐ nam công nhân, nữ công nhân...
...hay Diềm mái che cột bơm là 2 trong số 9 dấu hiệu nhận diện cơ bản của CHXD Petrolimex
Mới đây, sau 2 lần gửi thư khuyến cáo, đầu tháng 6 năm 2017, Công ty TNHH Thương mại & Phát triển Hoàng Lâm đã tháo dỡ các dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex tại cửa hàng Xăng dầu Hoàng Lâm tại địa chỉ KM 171 + 500 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đáng lưu ý, Công ty này không thuộc khối đại lý/tổng đại lý hay khối nhượng quyền thương mại.
Nhưng chỉ sau đó 1 tuần, trong chuyến đi thực tế trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đoàn phóng viên báo chí lại được tận mắt chứng kiến hiện tượng các doanh nghiệp tư nhân xâm phạm thương hiệu Petrolimex với các mức độ khác nhau ở quy mô rất đáng báo động. Một số thì vi phạm toàn phần, sử dụng toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu Petrolimex từ trang phục bảo hộ lao động vốn dĩ theo quy định chỉ CBCNV-NLĐ Petrolimex mới được phép sử dụng, thiết kế cửa hàng xăng dầu… Một số khác xâm phạm một phần, như biểu tượng chữ P, hay thiết kế, trang phục bảo hộ lao động…
Petrolimex rất nỗ lực chủ động trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Trong quy trình bảo vệ nhãn hiệu cũng rất nhân văn: Gửi thư khuyến cáo 3 lần (quá tam ba bận), mỗi lần cách nhau 15 ngày; sau khi gửi thư khuyến cáo lần 3 đủ 15 ngày mới khởi kiện (cho thấu tình đạt lý).
Tận mắt chứng kiến các thư khuyến cáo của Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình thuộc Công ty Xăng dầu Hòa Bình chúng tôi vừa thấy tính chuyên nghiệp bài bản của họ, vừa khâm phục ở cái tình cái lý của họ, vừa nể trọng ở sự kiên trì của họ; nhưng cũng rất bất bình khi thấy các doanh nghiệp xâm phạm nhãn hiệu Petrolimex không nhận ra thiện chí này, coi thường “kỷ cương phép nước” của Nghị định 83 mà lẽ ra họ phải hiểu khi tham gia vào kinh doanh xăng dầu, bởi đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện được duy trì nhất quán từ xưa đến nay.
Chúng ta thường nói đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Người tiêu dùng. Bảo vệ như thế nào? Trước hết, là bảo vệ Người tiêu dùng bằng cách thế hiện rõ cửa hàng xăng dầu này của ai, lấy xăng dầu từ nguồn nào? Ai chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng cho Người tiêu dùng nếu bị xâm phạm do gian lận xăng dầu như bơm thiếu, xăng không đạt chất lượng do pha lẫn tạp chất khác, v.v…
Chúng ta cũng nói đến bảo hộ nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ. Vậy, ai là người bảo hộ? Trước hết là các doanh nghiệp phải chủ động đấu tranh bằng nhiều biện pháp (như gửi thư khuyến cáo tới doanh nghiệp vi phạm; tăng cường truyền thông nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng…); cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và các địa phương là người xử lý vi phạm nếu các biện pháp trên không hiệu quả.
Toàn cảnh Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex
Chúng ta nói đến minh bạch xăng dầu. Minh bạch xăng dầu là sử dụng biện pháp truyền thông, kinh tế và pháp lý để Người tiêu dùng phân biệt được cửa hàng nào là của ai.
Phải chung tay minh bạch xăng dầu. Phải đưa Nghị định 83 vào cuộc sống. Đấy là yêu cầu khẩn thiết từ Nhà nước - Doanh nghiệp và Người tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp phải chủ động, cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết, làm nền tảng căn bản giúp cho người tiêu dùng tỉnh táo, phân biệt rành mạch cửa hàng nào và của ai!