Thấm thoắt đã 20 năm làm việc tại Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn). Nhưng đối với tôi, số năm đó vẫn là con số rất nhỏ so với số năm mà các bác, các cô, các chú, các anh, các chị từ những ngày đầu tiên tiếp nhận, xây dựng và phát triển để có được công ty ngày hôm nay. Trải qua 45 năm xây dựng, đổi mới và phát triển của công ty (17/9/1975 – 17/9/2020), tôi đã thấy được sự thay đổi rõ rệt trong đó có hệ thống công nghệ thông tin thay đổi và đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhớ lại từ những ngày đầu vào làm việc tại phòng Điện Toán (nay là phòng Công Nghệ Thông Tin - CNTT), phòng máy chủ lúc này chỉ có 03 chiếc máy chủ nhưng cũng đủ để cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin như thư điện tử (e-mail), cơ sở dữ liệu (database), và hệ thống phần mềm quản trị toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (nay đã được thay thế bằng hệ thống ERP của hãng SAP nổi tiếng trên thế giới). Diện tích phòng máy chủ đã được mở rộng gấp 6 lần, số lượng máy chủ tăng thêm, trang bị các thiết bị công nghệ thông tin tiên tiến nhất và nay đã trở thành trung tâm dữ liệu (data center) lớn thứ 02 trong ngành sau Tập đoàn.
Trung tâm dữ liệu (data center)
Năm 2010, công ty đã cùng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) triển khai thành công hệ thống quản trị nguồn lực ERP-SAP áp dụng tại công ty và Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè. Liền sau đó tiếp tục triển khai thành công hệ thống quản lý cửa hàng bán lẻ xăng dầu (eGAS), hóa đơn điện tử, ... Hầu hết tất cả thông tin đã được số hóa và quản trị một cách nghiêm ngặt và xuyên suốt.
Song song với việc tiếp tục đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, tự động hóa, hiện đại hóa cửa hàng xăng dầu, kho cảng, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh không ngừng phát triển. Năm 2018, phòng Công nghệ thông tin công ty đã tự phát triển phần mềm Cổng thông tin điều độ hàng hóa, giúp lãnh đạo, nhân viên nghiệp vụ có công cụ quản lý, điều hành trong công tác điều độ hàng hóa theo thời gian thực thuận lợi và nhanh chóng.
Trước sự bùng nổ của công nghệ trong thời đại số, giao dịch thương mại điện tử là tất yếu. Năm 2019, Petrolimex Sài Gòn đã đưa vào sử dụng hệ thống Quản lý đơn hàng trực tuyến (SMO). Đây là trang web giao dịch điện tử, giúp chuyển đổi từ phương thức giao dịch bán hàng truyền thống sang giao dịch điện tử nhằm mang lại nhiều tiện ích gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng.
Phần mềm SMO được xây dựng chủ yếu tập trung phục vụ khách hàng và các đơn vị vận tải trong giao dịch hàng hóa với Petrolimex Sài Gòn. Thông qua Internet, khách hàng có thể tự lập và quản lý đơn hàng, lên kế hoạch nhận hàng, theo dõi xuyên suốt quá trình giao nhận hàng hóa từ lúc phương tiện vào Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè cho đến lúc hoàn tất giao dịch và rời kho. Các đơn vị vận tải có thể sắp xếp phương tiện và quản lý chuyến nhận hàng cho từng đơn hàng qua phần mềm SMO. Và đây cũng là giải pháp kịp thời, hiệu quả trong giao dịch thương mại - giảm tiếp xúc trực tiếp để bảo vệ sức khỏe Người lao động, đảm bảo nguồn hàng không chỉ cho nội bộ Petrolimex mà còn cho các bạn hàng và đối tác trong mùa dịch COVID-19.
Cũng trong năm 2019, công ty đã đưa vào khai thác sử dụng hệ thống Quản lý năng lực phòng thử nghiệm nhằm phát huy tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý, nghiệp vụ để hỗ trợ công tác quản lý, nâng cao năng suất lao động, tăng độ chính xác, cung cấp dữ liệu nhanh chóng, kịp thời giúp cho việc tương tác giữa khách hàng, Công ty và cán bộ nghiệp vụ được liền mạch, xuyên suốt.
Biểu đồ thống kê số lượng phiếu thử nghiệm trong tháng 8/2020
Với phần mềm này, người quản lý có thể quản lý các lô hàng và truy xuất tận cùng nguồn gốc của một mặt hàng, một lô hàng đã nhập/ xuất tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè. Ngoài ra còn giúp cho công tác quản lý, thử nghiệm, điều độ hàng hóa được thông suốt đồng thời phần mềm còn hỗ trợ các cảnh báo bồn tách lớp, …
Tại hội nghị tổng kết CNTT năm 2017, Chủ tịch Petrolimex Sài Gòn Nguyễn Văn Cảnh khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên thế giới là cơ hội và cũng chính là thách thức, đòi hỏi chúng ta phải “tư duy lại tương lai”, có tầm nhìn và mục tiêu, chiến lược đúng đắn cho giai đoạn phát triển mới.
Từ những yêu cầu và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Công ty, đội ngũ làm công tác CNTT đã xây dựng đề án phát triển ứng dụng CNTT đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây cũng là định hướng để công nghệ thông tin góp phần xây dựng và phát triển Công ty. Là người đứng đầu trong đội ngũ CNTT, tôi cảm thấy tự hào và mong muốn tiếp tục được cống hiến hết mình để không phụ lòng những thế hệ cha anh đi trước đã dày công xây dựng. Ứng dụng CNTT để kết nối vạn vật - kết nối để tiến xa hơn.